Báo cáo của Tổ Khuyến nông 3 giảm, thuộc Trung tâm Khuyến nông cho biết, chương trình khuyến nông 3 giảm đồng hành cùng các trường, Trung tâm cai nghiện qua 5 năm, đạt được kết quả khả quan. Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn với diện tích 3ha, hàng tháng cung cấp nguồn rau sạch cho hơn 30 ngàn suất ăn hàng ngày của học viên các trường, trung tâm cai nghiện. Mô hình nuôi thủy sản, nuôi ghép các loài cá nước ngọt đạt 2,4ha, sản lượng bình quân 50 tấn/ha/năm. Trồng tre Điền trúc chống sạt lở đạt 1.800 gốc; cỏ VA-06 2ha, năng suất 50 tấn/ha/vụ phục vụ cho chăn nuôi bò thịt. Trọng tâm là mô hình nuôi heo nái đẻ, hàng năm cung cấp trên 300 heo thịt cho suất ăn hàng ngày của học viên... Trên đà phát triển này, thì không bao lâu các loại sản phẩm nông nghiệp tại các trường, Trung tâm cai nghiện sẽ dư thừa trước tình hình học viên ngày càng giảm (50% học viên), trở về với cộng đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lãnh đạo các trường, Trung tâm cai nghiện, mô hình khuyến nông 3 giảm của thành phố là “đặc biệt nhất” của hệ thống khuyến nông 64 tỉnh thành. 5 năm thực hiện ngoài đạt kết quả tốt, giải quyết được suất ăn hàng ngày của học viên, mà còn lan tỏa rộng. Năm 2002, các trường, trung tâm chưa biết gì về sản xuất nông nghiệp, đến nay các đơn vị đã nắm vững kỹ thuật nuôi, trồng các loại cây, con thông qua trình diễn mô hình, hội thảo, tập huấn kỹ thuật của khuyến nông. Như tiếp nhận kỹ thuật ủ phân hữu cơ bằng phân gia súc sử dụng men Trichoderma. Năm 2007, các trường, trung tâm sản xuất nông nghiệp bước đầu đã trở thành hàng hóa đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường như: heo, bò, cá, rau an toàn. Mô hình nuôi heo thịt của Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết Việc làm (GDDN và GQVL) Nhị Xuân, Hóc Môn hàng năm cung cấp cho thị trường 45 tấn thịt; Trung tâm Giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2, Củ Chi sản xuất 100 heo giống/năm...

Trước tình hình học viên ngày càng giảm, các trường, trung tâm cai nghiện đã hình thành hướng đi cho sản xuất nông nghiệp của mình, quy hoạch lại sản xuất, xây dựng dự án nuôi trồng để trở thành sản phẩm hàng hóa. Được biết, lực lượng TNXP thành phố đã xây dựng dự án tại các trường như dự án chăn nuôi heo quy mô 250 nái đẻ, kinh phí 7 tỷ; dự án chăn nuôi gà, kinh phí 9 tỷ… Ông Võ Ngọc Đẹp – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhận định hoạt động khuyến nông 3 giảm tại các trường, trung tâm trong thời gian tới là, sớm quy hoạch và khai thác sử dụng đất có hiệu quả; nhân rộng các mô hình khuyến nông đã chuyển giao; liên kết hợp tác với các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng tham gia thị trường; tăng cường hỗ trợ hoạt động dịch vụ khuyến nông trên cơ sở các dự án của các trường, trung tâm. Theo đó, đơn đặt hàng về dịch vụ khuyến nông, xây dựng dự án trồng lan cắt cành 1ha của Trung tâm GDDN và GQVL Nhị Xuân; chuyển giao kỹ thuật chiết 100 gốc tre Điền trúc của Trường cai nghiện số 3, Bình Phước… 

Đăng Kiệt - Trung tâm KN TP. Hồ Chí Minh