Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số, với khoảng 21.276 hộ/96.346 khẩu, chiếm gần 8% dân số toàn tỉnh, sống chủ yếu ở các xã miền núi, vùng cao. Riêng một số dân tộc sống tập trung hình thành các thôn, xã thuần như các dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro, Chăm.

Từ năm 2009 - 2014, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và các địa phương trong việc đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình thủy lợi, nhờ đó diện tích chủ động nước tưới được mở rộng, tạo điều kiện cho đồng bào thâm canh, tăng vụ. Tính đến nay, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng chủ yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có trên 28.000 ha, tăng hơn 14.000 ha so với năm 2009. Trong đó, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, thanh long. Hàng năm, nhiều thôn, xã vùng đồng bào DTTS đã sản xuất 2 - 3 vụ lúa nước, diện tích bắp lai ngày càng mở rộng, năng suất sản lượng đều tăng lên. Cụ thể, năm 2009, diện tích gieo trồng lúa của đồng bào là 9.844 ha, năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 104 ngàn tấn; đến năm 2014, diện tích tăng với 14.637 ha, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt trên 161 ngàn tấn… Từ kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần ổn định lương thực ở vùng đồng bào DTTS, không còn hộ đói, hộ nghèo giảm mạnh.

Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận, bình quân mỗi năm có trên 753 hộ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2014 còn 2.883 hộ (chiếm 15,23%); hộ cận nghèo 1.691 hộ (chiếm 8,93%) so với vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, những gương điển hình làm kinh tế giỏi vùng đồng bào DTTS xuất hiện ngày càng nhiều. Từ năm 2010 - 2014, toàn vùng đồng bào DTTS có 11 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đạt cấp trung ương, 94 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Mẽng - dân tộc K’ho ở xã La Ngâu (Tánh Linh) khá lên nhờ trồng bắp lai, hàng năm ông còn thực hiện chuyển đổi đất lúa sang xen canh trồng 1 vụ bắp lai cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn nhiều cá nhân làm kinh tế giỏi khác như: ông Nguyễn Tấn Thanh - dân tộc Raglai ở xã Suối Kiết (Tánh Linh), ông Thông Minh Tìm ở xã Tân Thuận, ông Lê Văn Ngọ, ông Mang Văn Nuôi ở xã Hàm Cần (Hàm Thuận Nam)…

Bên cạnh đó, thông qua nhiều nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của Trung ương, vốn ngân sách tập trung, trái phiếu chính phủ, xổ số kiến thiết… các ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Từ năm 2009  đến nay, đã đầu tư xây dựng 167 công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS với tổng kinh phí trên 456 tỷ đồng. Hiện 100% xã có đường giao thông được nhựa hóa đến tận trung tâm xã. Các cây cầu qua sông, suối lớn đều được cứng hóa bằng bê tông, đường giao thông nông thôn được bê tông xi măng tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản và giao thông đi lại giữa các vùng; 17/17 xã thuần đồng bào DTTS có trụ sở làm việc, 16/17 xã có nhà văn hóa; 11/11 xã vùng cao có cửa hàng bán lẻ… với 88,5% số hộ đồng bào được dùng nước sạch và 100% xã, thôn có điện lưới quốc gia, bộ mặt nông thôn mới dần được khởi sắc.

Nguyễn Ngọc Bảy