Đoàn cũng đã thăm, tìm hiểu quy trình hoạt động và các mô hình ứng dụng công nghệ cao của Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ).

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nên tình hình sản xuất nông nghiệp đã có những kết quả tích cực. Hiện, Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, các khâu từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ đã được liên kết với nhau khá chặt chẽ, dần dần khắc phục được sự bấp bênh cho đầu ra của nông sản. Đồng Nai cũng đã có 20% diện tích vùng chuyên canh, tương ứng với 2.300ha sản xuất theo hướng VietGAP.

 

Bộ trưởng Cao Đức Phát làm việc cùng Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. 

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Đồng Nai đã có 54/136 xã đạt 19/19 tiêu chí. Đặc biệt, 2 địa phương là huyện Xuân Lộc và thị xã Long Khánh đã hoàn thành chương trình, đang chờ Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận. Trong 4 năm (2011-2014), tỉnh đã đầu tư trên 23.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo ra những đổi thay rõ nét về kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội cho khu vực nông thôn. Dự kiến đến cuối năm 2014, giá trị thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp là 98 triệu đồng; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt hơn 32 triệu đồng/người/năm, cao hơn 13,5 triệu đồng so với năm 2010.

Theo ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Trung tâm Ứng dụng  công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là nơi sàng lọc những đề tài, đề án của các trung tâm khác để tìm cách ứng dụng vào sản xuất cho nông dân. Hiện nay, nhiều đề tài không đi vào cuộc sống được vì từ nghiên cứu đến thực tế như một "thung lũng", khoảng cách còn xa. Vì vậy, Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai sẽ là cầu nối cho những đề tài hay, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều đề án có ý nghĩa nữa để phục vụ cho nhu cầu sản xuất của bà con nông dân ở đây.

Công ty TNHH Nghiên cứu, sản xuất Đất Việt là một trong những đơn vị điển hình ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất. Anh Phan Văn Hài, Giám đốc Công ty cho biết, là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, công ty của anh thực hiện hai nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh, đây là hướng đi mới và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước.

“Qua 2 năm thực hiện cùng với sự chuyển giao công nghệ của Viện Chăn nuôi, công ty đã thuần dưỡng và chọn lọc thành công giống gà Đông Tảo có chất lượng cao, phù hợp với khí hậu thời tiết của khu vực phía Nam, chất lượng sản phẩm (thịt và trứng) tương đương với gà Đông Tảo nuôi tại Hưng Yên. Công ty đã trở thành đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trên đàn gà Đông Tảo để khắc phục tình trạng đạp mái kém của gà và sự lai tạp trong quá trình nuôi, từ đó tạo ra được những con giống có chất lượng cao nhất và trở thành trung tâm phân phối giống gà Đông Tảo cho toàn vùng phía Nam”, anh Hài chia sẻ.

Sản phẩm như chim trĩ, gà Đông Tảo của Công ty Đất Việt được thị trường đánh giá cao.

Cũng như anh Hài, các doanh nghiệp khác trong trung tâm cũng đang tích cực nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhất vào sản xuất. Họ đã và đang thu được nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi, góp phần vào sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đánh giá cao về những chuyển động của ngành nông nghiệp Đồng Nai, đặc biệt là Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đạt được trong thời gian qua và hứa sẽ tạo điều kiện hết sức để ngày càng có nhiều ứng dụng của trung tâm được triển khai vào thực tiễn sản xuất.

 

Theo kinhtenongthon.com.vn