Tham dự Diễn đàn có đồng chí Nguyễn Sinh Cung - PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn; cùng hơn 250 đại biểu, nông dân đến tham dự Diễn đàn.

 

Diễn đàn thu hút đông đảo các đại biểu và bà con nông dân đến tham dự.

 

Để nâng cao hơn nữa giá trị trên một diện tích đất nương rẫy, tạo thành các vùng nông sản hàng hóa lớn, nâng cao thu nhập cho người dân miền núi và hướng đến canh tác bền vững, bảo vệ môi trường sống, trước mắt cần tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân hiểu và áp dụng được kỹ thuật chuyển đổi cây trồng đạt hiệu quả nhất. Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần này với chủ đề “Chuyển đổi cơ cấu, tăng vụ cây trồng trên đất nương rẫy”, là nơi thảo luận, chia sẻ những thông tin, kiến thức và những kinh nghiệm quý báu giữa bốn nhà là nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nông và doanh nghiệp, cùng chung tay để tìm ra hướng sản xuất, chuyển đổi, những công thức luân canh tăng vụ cây trồng hiệu quả nhất nhưng vẫn đảm bảo khai thác đất dốc một cách bền vững.


Tại diễn đàn, có 60 câu hỏi được đặt ra chủ yếu xoay quanh các vấn đề về chính sách hỗ trợ nông dân canh tác và chuyển đổi cây trồng trên đất nương rẫy; những loại cây trồng phù hợp trên đất dốc, kỹ thuật canh tác, những địa chỉ tin cậy để cung cấp nguồn giống cây trồng đảm bảo chất lượng, một số loại sâu bệnh hại chính trên một số cây trồng chủ yếu và cách phòng trừ, cách bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt nhiều câu hỏi của bà con nông dân quan tâm đến thị trường tiêu thụ các loại nông sản…

 


Đại biểu Lý Thị Thiều, xã Hồng Việt (Hòa An) hỏi về kỹ thuật canh tác cây trồng trên đất nương rẫy.


Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc có khoảng 1,5 triệu ha đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất cây trồng hằng năm 1,2 triệu ha (đất nương rẫy khoảng 500 nghìn ha, trong đó, lúa nương chiếm khoảng 20%, diện tích còn lại hầu hết là trồng ngô, sắn). Diện tích lúa cạn toàn vùng hiện có khoảng 100 nghìn ha tập trung ở các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Cao Bằng..., với năng suất rất thấp, bình quân 1 - 1,2 tấn/ha, thu nhập chỉ đạt khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha, chủ yếu tự cung, tự cấp.


TS. Trần Văn Khởi – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, với vùng miền núi phía Bắc (MNPB) cần quan tâm cao đến diện tích đất đồi dốc, đất nương rẫy, một dạng đất chiếm tỷ lệ diện tích lớn trong đất nông nghiệp với chủng loại cây trồng phong phú. TS. Trần Văn Khởi nhấn manh, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất nương rẫy đạt hiệu quả cao, cần chú trọng một số biện pháp sau:


- Khai thác triệt để nguồn đất rẫy cho sản xuất cây trồng, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông thôn miền núi.


- Chuyển đổi loại cây trồng ít phù hợp, cho năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang trồng loại cây trồng khác cho hiệu quả cao hơn, bao gồm cả việc chuyển đổi trong các cây hàng năm với nhau hay chuyển sang các cây lâu năm, cây thức ăn gia súc, cây dược liệu....


- Chuyển đổi giống cây trồng cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn trong cùng một công thức luân canh.


- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác trên đất nương rẫy, đặc biệt vấn đề cơ giới hóa, liên kết sản xuất hàng hóa lớn để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

 

Xuân Minh 

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia