Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, thời gian qua, các lớp dạy nghề cho nông dân được mở ngay tại vườn đã thu hút được nhiều nông dân tham gia. Tại lớp học này, trên những khu chăn nuôi của bà con, nông dân được giáo viên hướng dẫn cụ thể phương pháp làm chuồng trại, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh thái, chế biến tổ hợp khẩu phần ăn cho từng giai đoạn phát triển của gà, cách vệ sinh phòng trị bệnh. Đặc biệt, lớp học nghề đã xây dựng được mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học tại hộ gia đình anh Lê Trung Kiên và hộ chị Nguyễn Thị Hòa, từ đó hướng dẫn cho bà con nuôi và chăm sóc gà, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Sau 2 tháng đào tạo nghề, các học viên tại xã Minh Thành – Chơn Thành cho biết, trước đây người dân thường nuôi gà theo phương pháp truyền thống, không nắm được các quy trình kỹ thuật, cách chọn giống, cách sử dụng thuốc thú y nên chi phí sản xuất cao, năng suất thấp lại gây ô nhiệm môi trường. Từ khi được tham dự lớp dạy nghề, các hộ dân trong xã đã mạnh dạn tăng đàn, áp dụng chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học nên hiệu quả sản xuất cao hơn hẳn.

Ông Nguyễn Văn Hồng và anh Trần Văn Đào cho biết, khi tham gia thực hành quy trình làm vắc-xin và mổ gà khám bệnh tích chẩn đoán bệnh, họ mới vỡ lẽ nguyên nhân đàn gà nhà mình bị chết. Mmột số bà con còn chia sẻ, giá như lớp dạy nghề tổ chức sớm hơn thì đàn gà của gia đình đã không bị thiệt hại.


Lớp đào tạo nghề với 1/3 thời gian lý thuyết, còn lại là thực hành, đã giúp nông dân xã Minh Thành thu thập được nhiều thông tin bổ ích, tạo động lực để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Được biết, trước khi tham gia lớp dạy nghê, các hộ dân xã Minh Thành chỉ nuôi từ 50 – 70 con gà. Từ sau khóa học, đã có rất nhiều hộ mở rộng quy mô chăn nuôi lên 300 – 500 con gà, có hộ đã mạnh dạn đầu tư 2000 – 3000 con.

                                                                     Nguyễn Đức Cương

                                                  Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Phước