Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành; đại diện lãnh đạo UBND, Sở Lao động Thương binh xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục PTNT 63 tỉnh/Tp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội Doãn Mậu Diệp đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo của Cục Kinh tế Hợp tác Bộ Nông nghiệp và PTNT tại hội nghị cho biết, giai đoạn 2011- 2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.148.917 người, đạt 75% so với kế hoạch đề ra. Sau học nghề có 872.696 người có việc làm mới hoặc nâng cao hiệu quả của việc làm cũ đạt 69%, trong đó có 29.236 lao động được tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc. Có 26.753 lao động sau khi học xong, tổ chức sản xuất được các Hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; 9.244 người sau khi học xong đã thành lập tổ hợp tác, Hợp tác xã, doanh nghiệp. Đã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất có hiệu quả tốt do được nâng cao trình độ sau học nghề. Năm 2016, số lao động được học nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 126.189/161.055 lao động (đạt 78,3% so với kế hoạch đề ra) và đạt 65% so với năm 2015.

Nội dung đào tạo nghề tập trung đào tạo nông dân nòng cốt để thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân làm dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như thú y, dẫn tinh viên, phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, dịch vụ thủy nông, thuyền trưởng, máy trưởng,… đào tạo cho nông dân ở các vùng khó khăn, vùng nghèo về kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.

Chia sẻ tại hội nghị, bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu cũng đã nêu lên những thuận lợi, khó khăn, những bất cập, kể cả về cơ chế, chính sách, phương thức và đối tượng học nghề. Qua đó các đại biểu cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm và các giải pháp để triển khai công tác đào tạo nghề trong thời gian tới được hiệu quả.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế đất nước được coi là chương trình trụ cột. Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ nhằm tạo đột phá về nguồn nhân lực cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề là một trong những khâu quyết định sự thành bại của chương trình này, do vậy đào tạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ là chính sách giải quyết việc làm mà còn là tiềm năng, lợi thế của đất nước. Bộ trưởng lưu ý, phương thức đào tạo cần gắn với thực tế, gắn với yêu cầu của cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng. Đối tượng đào tạo cần chú ý đến trang trại, doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, đây là những nòng cốt có tác động lan tỏa, mở rộng sản xuất.

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia