Hội thảo đã đánh giá thực trạng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2009 – 2015. Theo đó Bộ Nông nghiệp & PTNT đã ban hành được 132 bộ giáo trình, chương trình đào tạo nghề, thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp ở Thanh Hóa và Bến Tre cho 10.299 lao động nông thôn và đào tạo được 9.757 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp theo hình thức cấp thẻ. Triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động để làm việc cho các doanh nghiệp, công ty, đã đào tạo được 3.930 lao động. Tổng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho giai đoạn 2010 – 2014 là 876.549 người, trong đó sau đào tạo có 672.696 người đã có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ (chiếm 83,69%).

Bên cạnh những mặt đạt được thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng còn những hạn chế như dàn trải, chưa tập trung vào đối tượng nông dân nòng cốt, chưa gắn với công ty, doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề còn nhiều bất cập, kiểm tra giám sát mang tính hình thức, chưa đánh giá được thực trạng kết quả và chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp.

Tại hội thảo cũng đưa ra định hướng, giải pháp cho đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 với quan điểm đào tạo nghề nông nghiệp phục vụ thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đào tạo nghề nông nghiệp gắn với đặc thù của sản xuất nông nghiệp, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Đào tạo có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các đối tượng nông dân nòng cốt, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đưa ra bộ tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp và nhận được nhiều sự góp ý từ các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu từ các Chi cục PTNT, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư các tỉnh khu vực miền Trung, các trường tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cũng đã tham gia các báo cáo tham luận, các ý kiến chia sẻ một số kinh nghiệm của đơn vị trong tác đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Đồng thời Dự án hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp (LCASP) giới thiệu về tiềm năng phế thải nông nghiệp và các công nghệ sử dụng phế thải nông nghiệp cần được đào tạo cho nông dân. Công ty tư vấn Trường Xuân đưa ra một số phát hiện chính về nguyên nhân của những hạn chế trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại Việt Nam, đặc biệt là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trong giai đoạn vừa qua, giới thiệu một số “điểm sáng” về dạy nghề như Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình đã áp dụng phổ biến phương pháp lớp học hiện trường – FFS trong dạy nghề nông nghiệp, tỉnh Ninh Thuận phối hợp dạy nghề với hỗ trợ của các bên liên quan theo “tiểu dự án” thúc đẩy mô hình tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trồng lúa nước, chăn nuôi bò, trồng nấm cho đồng bào Raglai, tỉnh Trà Vinh phối hợp giữa dạy nghề với truyền nghề, gắn kết với doanh nghiệp tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào Khmer… Từ các nội dung đó, công ty đã có các khuyến nghị về sửa đổi đồng bộ tích hợp chính sách, đối tượng hỗ trợ, định mức hỗ trợ, phân cấp và phân bổ kinh phí… xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá kết quả học nghề mới.

Kết thúc hội thảo, ông Ngô Thế Hiên, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT - chủ trì hội thảo đã nhấn mạnh để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có hệ thống Ban chỉ đạo định hướng công tác đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu ngành, gắn kết, lồng ghép đào tạo nghề với các chương trình dự án, các hoạt động khác như vay vốn ưu đãi…, cần có trọng tâm, trọng điểm vào đối tượng nông dân nòng cốt, khu vực liên kết sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đặc thù của địa phương. Xây dựng kế hoạch và nhu cầu đào tạo nghề phù hợp với phát triển kinh tế địa phương, có kế hoạch hàng năm và trung hạn, thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn về quản lý nhà nước, văn bản pháp luật về đào tạo nghề, duy trì kiểm tra giám sát, bố trí nguồn lực để đánh giá, xây dựng tiêu chí đánh giá vừa phải, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả (tập trung tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo, thu nhập tăng thêm …), huy động sự vào cuộc của khuyến nông địa phương trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn./.     

Thu Thủy

Trung tâm KNKN Quảng Nam