Trong những năm qua, Trung tâm luôn chú trọng tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ và nông dân, dạy nghề cho lao động nông thôn tại các xã điểm nông thôn mới. Tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng mô hình, hội thảo, tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho bà con nông dân.

Kết quả đã tạo cơ hội cho lao động nông nghiệp nông thôn có điều kiện được tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, được tham gia học nghề ngay tại địa phương, phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và sản xuất nông nghiệp từng vùng, từng địa phương. Để góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng các xã nông thôn mới, nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng vật nuôi chủ lực. Sau mỗi khóa học nghề các học viên đều nắm vững được kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành thành thạo và có thể áp dụng trực tiếp ngay vào thực tế sản xuất trồng trọt, chăn nuôi của gia đình.

Tính đến nay, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã tổ chức đào tạo được 11 nghề với tổng số 151 lớp cho 4.711 nông dân tham gia. Số người được cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp sau đào tạo là 4.319/4.711 người (đạt 91,67%). Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức tập huấn 21 lớp cho các học viên là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện với 630 cán bộ tham gia; 410 lớp cho đối tượng là khuyến nông viên cơ sở (xã, thôn bản) với 19.735 người tham gia; 5.000 lớp cho đối tượng nông dân với 350.000 người tham gia.

Thông qua công tác dạy nghề góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho bà con nông dân trong tỉnh; chuyển đổi cơ cấu lao động theo tiêu chí 12 của bộ tiêu chí xây dựng thôn mới.

Kết quả, về trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến (mía, chè, gỗ nguyên liệu,...). Cụ thể, cây mía đạt diện tích 29.500 ha đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho 03 nhà máy chế biến có tổng công suất 13.000 tấn/ngày; cây chè công nghiệp đạt 7.000 ha chè với 60.000 tấn chè búp tươi để sản xuất khoảng 6.000 tấn chè xuất khẩu; khoảng 100.000 ha rừng nguyên liệu cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến.

Tăng nhanh độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng các mô hình kinh doanh phát triển rừng theo hướng bền vững; sản xuất nông lâm kết hợp, lấy ngắn nuôi dài, cải tạo rừng nghèo kiệt thành rừng kinh tế; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống và biện pháp thâm canh rừng trồng đạt năng suất cao, hiệu quả lớn, rút ngắn chu kỳ sản xuất (năng suất rừng trồng keo, bạch đàn); công tác khoanh nuôi, bảo vệ rừng và trồng rừng phát triển mạnh, đưa độ che phủ rừng tăng nhanh từ 53,3% năm 2011 lên 54,5% vào năm 2014.

Nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản, với nhiều đối tượng nuôi trồng thuỷ sản được đưa vào sản xuất như: tôm, cua, cá vược, cá bống bớp, baba, lươn, cá điêu hồng, cá lóc; đa dạng hình thức nuôi: ngoài khơi, vùng mặn lợ, trong bể xi măng, bể lót bạt,... với nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản được chuyển giao cho nông dân góp phần tăng năng suất, tăng sản lượng thuỷ sản từ nuôi trồng.

Thông qua công tác đào tạo nghề, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã góp phần tăng nhanh năng suất và sản lư­ợng l­ương thực quy thóc cuả tỉnh từ 1,04 triệu tấn năm 2011 lên 1,2 triệu tấn năm 2014. Năng suất tăng từ 25 tạ/ha năm 2011 lên 27,5 tạ/ha năm 2014. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao với các dạng mô hình: Trồng và thâm canh lúa lai ở các huyện miền núi; trồng và thâm canh ngô đông trên đất 2 lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển chăn nuôi trâu bò tập trung, hàng hóa gắn với trồng cỏ chế biến dự trữ thức ăn; phát triển nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng các mô hình cánh đồng có thu nhập cao, cánh đồng mẫu lớn góp phần tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích,...

Có thể thấy phát triển đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là hướng đi đúng, phù hợp với tâm tư nguyện vọng và nhu cầu của lao động làm nông nghiệp hiện nay của bà con nông dân trong toàn tỉnh. Công tác đào tạo nghề đã trang bị thêm kiến thức bà con nông dân đã đầu tư sản xuất, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới, tạo thêm việc làm, giúp sản xuất đạt hiệu quả hơn, cải thiện đời sống. Từng bước tạo đà chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, chung tay phấn đấu cùng xã hội hoàn thành tiêu chí thu nhập và lao động trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thanh Thúy