Với mục tiêu “gắn dạy nghề với nhu cầu thực tiễn của người dân” nên các lớp dạy nghề do Trung tâm tổ chức tập trung chủ yếu vào cây lương thực, thực phẩm; cây ăn quả; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt và kỹ thuật trồng nấm. Bởi đây là những cây trồng, vật nuôi phổ biến tại địa phương.

Các học viên tham gia thực hành tại lớp trồng cây ăn quả tại huyện Nậm Nhùn

Các lớp tập huấn được tổ chức với hình thức vừa học vừa thực hành . Theo đó 70% thời gian là thực hành thực tế. Học viên học, trao đổi và thực hành trên mô hình nên mọi vướng mắc, khó khăn sẽ được trao đổi và được giảng viên hướng dẫn xử lý.

Với đối tượng học viên là lao động nông thôn chưa qua đào tạo học nghề, ưu tiên các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, người có công, đặc biệt là các khu vực di dân tái định cư tại thủy điện Lai Châu thì việc tổ chức các lớp dạy nghề là rất cần thiết.

Ông Khoàng Văn Phanh, học viên tại bản Nậm Hàng, thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, được các giảng viên hướng dẫn chi tiết, cụ thể và được tự tay mình làm từ khi chuẩn bị chuồng trại, chọn giống gà, cho ăn, phòng trị bệnh, có vướng mắc gì lại được giảng viên hướng dẫn luôn nên rất nhớ và làm được”.

Sau thời gian 2-3 tháng/lớp, học viên được truyền đạt những kiến thức cơ bản và thực hành trong thực tế sản xuất nông nghiệp tại gia đình. Đây là những kiến thức cơ bản, cần thiết và rất bổ ích đối với các hộ nông dân vùng sâu vùng xa, giúp người dân chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của gia đình, sản xuất cây lương thực, cây nấm… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và mở ra hướng đi mới trong việc xây dựng kinh tế trong nông hộ hiện nay./.

Nguyễn Thị Thùy Dương

Trung tâm Khuyến nông Lai Châu