Đến nay có 49 mô hình tiêu biểu đã và đang phát huy hiệu quả, được Hội Nông dân tỉnh ghi nhận và đánh giá cao. Trong một chuyến công tác cùng với cán bộ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình, chúng tôi đã được trực tiếp đến tham quan các mô hình kinh tế tổng hợp đang phát huy hiệu quả, nhờ được đào tạo nghề thời gian qua.

Anh Lê Thanh Phong, ở thôn Kim Nại, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết: Trước khi tham gia học nghề, cũng như nhiều hộ nông dân khác ở trong vùng, gia đình anh chủ yếu sinh sống bằng nghề làm ruộng kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô manh mún, nhỏ lẻ, cho nên hiệu quả kinh tế thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, sau khi được học nghề trồng nấm tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề và Giới thiệu việc làm Thanh niên tỉnh, gia đình anh đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm tại gia đình. Hiện nay, bình quân mỗi ngày mô hình của gia đình anh đã cung cấp ra thị trường 50 kg nấm thương phẩm các loại như nấm rơm, nấm sò,… Thường xuyên tạo ra việc làm cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, mô hình đã mang lại cho gia đình anh Phong một nguồn thu nhập đáng kể, trên 120 triệu đồng.

Năm 2010, sau khi được tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề tổng hợp huyện Minh Hóa tổ chức, thông qua tổ vay vốn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, anh Đinh Minh Chính, ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa đã mạnh dạn vay nguồn vốn hàng chục triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội, Phòng Giao dịch Minh Hóa để đầu tư phát triển sản xuất. Từ 01 con lợn nái thả nuôi thí điểm ban đầu, sau khi đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất cần thiết, làm hầm bioga để thu gom chất thải, bảo vệ môi trường, đến nay số lượng vật nuôi của gia đình anh đã tăng lên 200 con lợn thịt, lợn nái, hàng năm đưa về nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.

Đến xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, gặp chị Nguyễn Thị Vân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nón lá Mỹ Trạch, chứng kiến sự thành công của chị và những xã viên ở đây, chúng tôi càng hiểu thêm về hiệu quả thực sự mà công tác đào tạo và dạy nghề cho lao động nông thôn mang lại cho những người nông dân ở vùng quê này. Trong niềm vui phấn khởi trước hiệu quả hoạt động của mô hình, chị Vân cho biết: Hợp tác xã Nón lá Mỹ Trạch được thành lập năm 2008. Trước đây, bên cạnh gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư sản xuất, các thành viên chủ yếu làm nón bằng kinh nghiệm bản thân, cho nên những năm đầu mới thành lập, Hợp tác xã hoạt động còn hạn chế. Năm 2010, sau khi bản thân chị được tham gia tập huấn kỹ thuật làm nón do Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, rồi truyền đạt kiến thức học tập lại cho các thành viên Hợp tác xã. Đến nay, kỹ thuật tay nghề của đa số thành viên trực tiếp làm nón ở đây đã được nâng lên đáng kể. Hiện tại, với số lượng lao động trên 750 người, mỗi năm, bình quân Hợp tác xã sản xuất được trên 25 ngàn sản phẩm nón lá, gồm từ 5 – 6 mặt hàng, với hai chủng loại chính là nón lá dừa và nón lá nón, được thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Hàng tháng, gia đình các thành viên làm nón lá có nguồn thu nhập khoảng gần 2 triệu đồng. Đối với vai trò của một Chủ nhiệm hợp tác xã, hàng tháng chị Vân có nguồn thu nhập khoảng 10 triệu đồng.

Nghề làm nón ở xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch

Cũng nhờ được tham gia học nghề tại Trung tâm Dạy nghề Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức năm 2014, đến nay 35 phụ nữ tham gia mô hình Tổ hợp Sản xuất chổi đót tại xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy đã có công ăn, việc làm và nguồn thu nhập ổn định, khoảng trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân, tạo tiền đề và động lực quan trọng để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 711/KH-UBND về việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016Mục tiêu của Kế hoạch đặt ra là nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, ưu tiên nhân rộng mô hình dạy nghề gắn với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.

Cùng với đó, trong năm 2016, toàn tỉnh phấn đấu đào tạo nghề cho 10.832 lao động nông thôn, trong đó cao đẳng nghề 430 người, trung cấp nghề 900 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 03 tháng 9.502 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề toàn tỉnh lên 38,5% vào cuối năm 2016. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nghề cho 5.000 lao động nông thôn, bao gồm dạy nghề nông nghiệp 2.150 người, dạy nghề phi nông nghiệp 2.850 người, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho 250 người khuyết tật. Phấn đấu tỷ lệ lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm tối thiểu đạt 80%....

Tổng kinh phí để thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2016 là 7.900 triệu đồng, trong đó kinh phí thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới 6.000 triệu đồng, kinh phí các địa phương 900 triệu đồng và nguồn khác 1.000 triệu đồng.

Đối tượng được đào tạo nghề là lao động nông thôn, có độ tuổi từ đủ 15 - 60 tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ) và người khuyết tật (thành thị, nông thôn) từ đủ 14 - tuổi (đối với nam), 55 tuổi (đối với nữ) có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học.

Với những chủ trương, chính sách hợp lý, nhằm hỗ trợ và khuyến khích công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động ở nông thôn đã và đang được triển khai thực hiện, tin chắc rằng, đời sống, thu nhập của người nông dân ở khu vực nông thôn Quảng Bình sẽ ngày càng được nâng cao đáng kể. Bởi vì, nhờ được đào tạo nghề, nhiều vùng quê ở Quảng Bình sẽ xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình kinh tế tổng hợp tiêu biểu, làm ăn hiệu quả.

Trương Văn Hà