Lớp tập huấn nhằm trang bị cho người trồng cà phê kiến thức và tay nghề về sản xuất cà phê chất lượng tốt, năng suất cao, ổn định và bền vững theo hướng tiêu chuẩn 4C (cà phê sạch và bền vững).

Kiểm tra vườn cà phê theo tiêu chuẩn 4C của lớp đào tạo nghề

Bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” thông qua các lớp đào tạo nghề, các giảng viên là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm KNKN đã truyền tải đến học viên những kiến thức cơ bản nhất, thực tế nhất về cây cà phê như: kỹ thuật làm đất; kỹ thuật trồng và chăm sóc sau trồng; kỹ thuật bón phân cho cây cà phê; các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây cà phê; phương pháp thu hoạch, chế biến, cưa đốn cải tạo vườn cà phê…

Các hoạt động học tập đều diễn ra tại hiện trường mà cụ thể ở đây là vườn cà phê của bà con nông dân và kéo dài theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Các học viên và giảng viên sẽ cùng nhau xây dựng hiện trường phù hợp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau hợp tác để trải nghiệm quy trình sản xuất hiệu quả theo hướng phát triển cà phê bền vững. Kết thúc khóa đào tạo có 66,6% học viên đạt loại giỏi, 33,4% đạt loại trung bình và trung bình khá, không có học viên không đạt yêu cầu.

Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng – Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Với gần 1.700 ha trồng cà phê, chiếm hơn 34% tổng diện tích toàn huyện Hướng Hóa, sản lượng hàng năm từ 15 – 25 ngàn tấn cà phê quả tươi, đây là nguồn thu nhập chính của người dân xã Hướng Phùng. Tuy nhiên, những năm qua việc trồng và chăm sóc cây cà phê của người dân trên địa bàn xã đa phần là tự phát, không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất cà phê hàng năm rất thấp, vườn cây nhanh xuống cấp, già cỗi, chất lượng cà phê chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Do vậy việc đào tạo cho bà con nông dân trồng cà phê có một hiểu biết sâu rộng về cây cà phê và có một tay nghề vững chắc trong trồng, sản xuất và kinh doanh sản phẩm cà phê chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.

Thục Quyên