Nhiều loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm sò, nấm rơm, nấm Linh Chi... đã góp phần tăng thu nhập, cải thiện kinh tế hộ gia đình.

Nhằm từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng các mô hình trồng nấm, từ nguồn vốn của Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Quảng Trị đã triển khai 1 lớp đào tạo nghề trồng nấm cho 30 học viên ở xã Triệu Hòa (huyện Triệu Phong). Tham gia khóa học, học viên được trang bị kiến thức về các loại nấm ăn và nguyên liệu để trồng nấm; kỹ thuật trồng nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi; xây dựng nhà trồng nấm, kỹ thuật sản xuất giá thể, cách chăm sóc và các thao tác thu hoạch nấm, vệ sinh khử trùng sau khi thu hoạch... Dự kiến, sau khóa học, mỗi học viên chỉ với diện tích trồng nấm từ 15 – 20m2 đã có thể sản xuất được từ 20 – 40 kg nấm sò, với giá bán trên thị trường hiện nay thì sau khi trừ chi phí đã mang lại lợi nhuận từ 1 – 2 triệu đồng/hộ, một năm có thể sản xuất từ 4 – 6 lứa.

Theo ông Trần Cẩn – Phó Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh: Trồng nấm bên cạnh tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo còn giải quyết việc làm cho nông dân lúc nông nhàn, tận dụng được nguồn rơm rạ khá phong phú tại địa phương, đồng thời tạo ra một lượng phân bón hữu cơ từ rơm rạ sau khi sản xuất có chất lượng cao cung cấp cho cây trồng. Mặt khác, sản phẩm nấm rơm, nấm sò sản xuất ra được thị trường tiêu thụ nhanh nhờ tính an toàn, sạch và dinh dưỡng cao. Vì vậy, trong thời gian tới trên cơ sở lớp đào tạo nghề trồng nấm này, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này, tạo nghề mới và góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân.

Thục Quyên