Tuy nhiên, các mô hình trồng ném còn mang tính tự phát, sản xuất theo tập quán cũ, chưa áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật và các điều kiện sản xuất an toàn nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, các lớp dạy nghề trồng ném cho lao động nông thôn là rất cần thiết, nhằm trang bị thêm cho bà con nông dân những kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã phối kết hợp với Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cam Lộ triển khai lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ném tại xã Cam An. Lớp học đã mang lại những kết quả khả quan, tạo nên bước tiến mới trong việc tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghề trồng ném của người dân địa phương.

Lớp học có 23 học viên tham gia, trong quá trình tuyển sinh học viên Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương để đảm bảo các tiêu chí như: các học viên tham gia học chưa được tham học nghề; nằm trong độ tuổi lao động và có nhu cầu tham gia lớp nghề trồng và chăm sóc cây ném.

Với phương châm "tôi nghe thì tôi quên, tôi đọc thì nhớ và tôi làm thì tôi biết", nên trong quá trình đào tạo, việc học lý thuyết kết hợp thực hành tại vườn mô hình trình diễn theo chu trình sinh trưởng, phát triển cây trồng là chủ yếu. Giáo viên giảng dạy với phương pháp “cầm tay chỉ việc” đã hướng dẫn cho học viên áp dụng các kiến thức lý thuyết đã được học vào thực hành trên mô hình. Cây ném là cây trồng vừa sử dụng lá vừa sử dụng củ nên để giúp cây ném sinh trưởng, phát triển tốt, có bộ lá đẹp phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời giúp cây chống chịu với các điều kiện bất lợi, cho năng suất cao thì cần thiết phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly. Mô hình đã áp dụng hệ thống tưới phun mưa chủ động theo định kỳ cho cây ném, tùy theo điều kiện thời tiết và tình hình sinh trưởng của cây ném để bộ rễ phát triển khỏe. Ruộng mô hình rễ có màu trắng đạt 97%, nên cây ném phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh hại cao.

Sau 3 tháng triển khai học tập (từ tháng 8 đến tháng 11), với sự hướng dẫn nhiệt tình của giáo viên, sự ham học hỏi của học viên, cùng với sự quan tâm của các cơ quan đoàn thể và chính quyền địa phương, các học viên đã tiếp thu được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ném từ các khâu chọn giống, làm đất, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại và hạch toán kinh tế... Đặc biệt một số học viện đã áp dụng lý thuyết vào sản xuất tại gia đình nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình. Ước tính 1 sào (500m2) ruộng ném mang lại nguồn thu cho hộ khoảng 6.000.000 đồng.

Theo chị Ngô Thị Hạnh ở thôn Mỹ Hòa, xã Cam An - một học viên lớp học cho chúng tôi biết: “Khi tham gia lớp học tôi đã biết được để nâng cao năng suất cây ném, ngoài yếu tố giống, phân bón thì biện pháp kỹ thuật canh tác hợp lý là một yếu tố quan trọng”.

Mặc dù trong quá trình đào tạo không có kinh phí hỗ trợ cho các học viên, nhưng nội dung học tập phù hợp với tình hình hiện tại của địa phương và nguyện vọng của bà con nông dân. Với sự nỗ lực của giảng viên, sự ham học hỏi của học viên, sự quan tâm của Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện trong quá trình học tập, nên kết quả lớp đào tạo nghề đã đạt được các chỉ tiêu cơ bản đề ra, 100% học viên tiếp thu được quy trình kỹ thuật. Với những kết quả đạt được lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ném sẽ giúp cho các học viên đẩy mạnh áp dụng kỷ thuật sản xuất, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế gắn với phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phan Việt Toàn

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị