Đặc biệt là quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Từ năm 2012 đến nay Trung Tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị đã tham gia vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đã có những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, lãnh đạo Trung tâm KNKN Quảng Trị đã chỉ đạo và điều hành sát sao công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề. Hình thức tuyên truyền rất phong phú, “Trang nông nghiệp” được phát sóng tối thứ 3 hàng tuần trên Đài phát thanh truyền hình Quảng Trị luôn lồng ghép với các hoạt động đào tạo nghề để chuyển tải đến bà con nông dân; Đăng tin bài có nội dung liên quan đến công tác đào tạo nghề trên Bản tin nông nghiệp. Để triển khai các lớp đào tạo nghề, Trung tâm đã tổ chức khai thác tốt nguồn lực sẵn có nhằm góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề. Với 60 cán bộ thì có đến có 54 cán bộ được đào tạo nghiệp vụ sư phạm kỹ năng nghề và có thể đứng lớp. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã phối hợp với các cấp hội tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề, nhu cầu đào tạo lao động, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch dạy nghề sát thực với thực tiễn địa phương, hướng dẫn công tác tuyển sinh theo quy định, phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân các cấp, các phòng LĐ-TBXH các huyện nên công tác tuyển sinh đạt được kết quả cao.

Qua 3 năm từ 2012 đến 2014 triển khai với tổng kinh phí 493 triệu đồng, Trung tâm đã kết hợp với Sở Lao động thương binh xã hội, Chi cục Phát triển nông thôn cùng với chính quyền các cấp mở 19 lớp học nghề đào tạo nghề cho hơn 580 lao động nông thôn với 9 nghề: kỹ thuật chăn nuôi và phòng, trị bệnh cho bò; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu; kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; kỹ thuật trồng nấm từ nguyên liệu rơm rạ; kỹ thuật nuôi gà thả vườn; kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho gà, vịt; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ném; kỹ thuật trồng hoa cúc và kỹ thuật trồng rau an toàn tại các huyện Vĩnh Linh (3 lớp), Triệu phong (3 lớp), Gio Linh (3 lớp), Cam Lộ (4 lớp), Hải Lăng (2 lớp), Thị xã Quảng Trị (3 lớp) và Đakrông (1 lớp).

Đây là những lớp dạy nghề với trình độ đào tạo dạy nghề sơ cấp, thời gian đào tạo từ 01 - 03 tháng. Thời gian học lý thuyết chiếm 10% thời gian đào tạo, phần còn lại học thực hành, thông qua các mô hình được xây dựng. Vừa học lý thuyết, vừa thực hành nên học viên học đến đâu nhớ đến đó, nhiều học viên còn xây dựng mô hình tại gia đình để kết hợp học đi đôi với hành. Hoạt động đào tạo nghề đã giúp cho người lao động ở nông thôn nâng cao trình độ kiến thức về sản xuất nông nghiệp, tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp đưa vào sản xuất... Bên cạnh đó, một số lớp học trang bị những nghề mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Trong những năm tới, trên cơ sở nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội và phát triển nguồn nân lực của tỉnh để có kế hoạch đào tạo tốt nhất. Trung tâm tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng lao động là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa. Định hướng cho người lao động tự chọn nghề, tự chọn hình thức đào tạo, tự tìm kiếm cơ hội việc làm. Dạy nghề gắn với tổ chức xây dựng, tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhìn chung hoạt động đào tạo nghề đã góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Thông qua đào tạo nghề, nông dân đã thực sự làm chủ được kỹ thuật, tự chủ được tay nghề. Có thể nói, hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu đã thu được kết quả khả quan, đã giúp bà con nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Từ đó có thể khẳng định rằng khả năng nhân rộng và áp dụng trong thời gian tới là rất cao, nhằm mục đích đưa lao động nông thôn đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất của thôn, xã, nâng cao đời sống người nông dân, giúp họ ổn định cuộc sống để cùng nhau xây dựng nông thôn mới.

Phan Việt Toàn 

Trung tâm KNKN Quảng Trị