Năm 2014, Trung tâm đã tổ chức 28 lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động động nông thôn, trong đó có 19 lớp trồng cây lương thực thực phẩm, 8 lớp chăn nuôi gia súc, gia cầm và 1 lớp khuyến ngư tại 9 xã của các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải và thành phố Thái Bình.

Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình trao chứng chỉ nghề cho lao động nông nghiệp. 

Tổng kết các lớp dạy nghề năm này đều đạt được mục tiêu đề ra. Công tác tuyển sinh được tổ chức chặt chẽ hơn, đối tượng học viên được lựa chọn từ các tổ chức như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các địa phương. Giáo viên giảng dạy các lớp đã được phân công và dự kiến kế hoạch ngay từ đầu; đảm bảo đủ 2 - 3 giáo viên phụ trách 1 lớp. Chương trình đào tạo cụ thể, có lịch trình, giáo trình, giáo án đầy đủ, kết hợp học lý thuyết với thực hành, bám sát thực tế từng địa phương. Ngoài ra, Trung tâm còn chuẩn bị đầy đủ vật tư, văn phòng phẩm thiết thực cho lớp học như: Giấy, bút cho học viên, giáo viên, thuốc phòng trừ sâu bệnh, thóc giống, cây con giống, thức ăn chăn nuôi... để học viên sử dụng trong quá trình thực hành.

Với phương pháp giảng dạy "có sự tham gia”, kết hợp lý thuyết với thực hành, thuyết trình kết hợp với máy chiếu có hình ảnh minh họa... nên đã thu hút được học viên, với tỷ lệ bình quân mỗi lớp đạt trên 93 - 95%. Nhiều học viên ngay trong quá trình tham gia lớp học đã áp dụng tốt kiến thức vào sản xuất như: gieo cấy đúng mật độ, chăm bón kịp thời, nuôi gà, lợn theo VietGAPH... Chính điều này đã cho thấy sự thành công bước đầu của chương trình dạy nghề.

Phát biểu tại lễ bế giảng lớp “Trồng cây lương thực thực phẩm", Bà Trần Thị Lý, xã Phú Xuân – Tp. Thái Bình, học viên tham gia lớp học cho biết: “Được tham gia lớp học đã giúp chúng tôi biết cách lựa chọn phân bón tốt, sử dụng thuốc trừ sâu đúng và hiệu quả hơn, chúng tôi được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp từ đó áp dụng vào sản xuất và tuyên truyền cho những hộ khác trong thôn, xóm...”.

Chia sẻ về hiệu quả của công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại địa phương, ông Đặng Quang Thức - Chủ tịch xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, khẳng định: Đây là chương trình rất cần thiết cho lao động nông nghiệp, vì vậy nên khi có chương trình dạy nghề nông nghiệp, xã  Đông Hà đã tiếp nhận ngay 3 lớp (2 lớp trồng cây lương thực thực phẩm và 1 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm). Ông Thức nhấn mạnh: Hầu hết lao động nông nghiệp ở địa phương chưa được đào tạo nghề, nông dân sản xuất theo kinh nghiệm, do vậy khi lớp học được tổ chức là điều kiện cho nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Lớp học được tổ chức trùng với mùa vụ sản xuất ở địa phương, lý thuyết gắn với thực hành ngoài đồng ruộng, nên nông dân nắm được rõ hơn các kiến thức về sản xuất lúa cũng như cây vụ đông. Các lớp chăn nuôi đã giúp nông dân biết cách lựa chọn con giống tốt, phòng trị bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng VietGAHP vào gia trại, trang trại... Với hiệu quả mà chương trình mang lại, ông Thức cũng mong muốn trong năm tới Đông Hà sẽ được triển khai tiếp chương trình với các lớp trồng cây lương thực thực phẩm và khuyến ngư cho nông dân trong xã.

Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2014 do Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình xây dựng, tổ chức đã hoàn thành theo đúng kế hoạch, bước đầu mang lại hiệu quả cho nông dân. Tuy nhiên, để chương trình thành công hơn nữa, cần có sự chỉ đạo, liên kết chặt chẽ của các cấp, các ban ngành, đoàn thể, coi đây là nhiệm vụ chính trị phục vụ cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; các lớp được mở phải gắn với nhu cầu thực tế của địa phương và phù hợp với nguyện vọng của học viên.

 

Nguyễn Thị Nguyệt

Trung tâm KNKNKN Thái Bình