Trong 6 tháng đầu năm 2015, TTKNKN Kiên Giang đã tổ chức 14 lớp dạy nghề với nội dung chủ yếu là kỹ thuật nuôi tôm lúa, kỹ thuật chăn nuôi gà và phương pháp phòng trị bệnh, kỹ thuật nuôi lươn, ếch, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, kỹ thuật trồng lúa chất lượng cao, kỹ thuật chăn nuôi heo và phương pháp phòng trị bệnh…

Bên cạnh đó, Trung tâm không ngừng phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý dạy nghề. Các cán bộ được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nghề, kỹ năng dạy nghề nông thôn, xây dựng chương trình, thiết kế bài giảng điện tử…

Để đạt được kết quả như trên, không chỉ dựa vào lực lượng của Trung tâm mà còn cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, đoàn thể từ khâu tuyên truyền, xác định nhu cầu nghề, tuyển sinh, xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý đào tạo. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm luôn chú trọng đến kiến thức kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người học, giúp 100% người học nghề sau khi kết thúc khóa học có thể vận dụng ngay vào thực tế trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên, hiện nay Trung tâm cũng chỉ mới tập trung vào các nghề truyền thống như: trồng lúa, kỹ thuật VAC, nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá, tôm,.... Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ căn cứ vào quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của từng địa phương để xác định lựa chọn đào tạo nghề đa dạng, phong phú hơn. Vấn đề quan trọng để đào tạo nghề thành công là ngay từ khâu tuyển sinh đã phải tư vấn định hướng và giúp đỡ người học lựa chọn nghề phù hợp với trình độ, năng lực và điều kiện sản xuất của họ. Dạy nghề gắn với thời vụ, thời gian sinh trưởng từng cây, từng con để đào tạo, đồng thời gắn với nhu cầu lao động, ngành nghề từng địa phương, từng doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cơ hội việc làm, bao tiêu sản phẩm đầu ra, tăng thu nhập cho người học sau học nghề. Như vậy mới khuyến khích được lao động nông nghiệp nông thôn tham gia và khẳng định được tính hiệu quả của việc đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ­_TTg.

Hiện nay nhu cầu học nghề của lao động nông thôn là rất lớn, khát khao đơn giản của bà con là được học một nghề nông nghiệp phù hợp để có việc làm, tăng thu nhập. Muốn nâng cao hiệu quả đào tạo nghề thì các cơ sở đào tạo phải chú trọng đến chất lượng, đào tạo phải gắn với địa chỉ đầu ra cho sản phẩm, có như vậy mới thu hút được nhiều lao động nông thôn tham gia học nghề. Mặt khác, để đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự đi vào cuộc sống, đảm bảo được tính hiệu quả và bền vững lâu dài, Chính quyền các cấp, các ban ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quy hoạch, định hướng nghề đào tạo phù hợp với đặc thù phát triển sản xuất, điều kiện kinh tế của địa phương. Song song đó cần có cơ chế chính sách riêng cho những người sau học nghề để duy trì, phát triển nghề đã được học. Đặc biệt cần có sự quan tâm đúng mức và vào cuộc có hiệu quả của các doanh nghiệp, công ty, nhà máy,... trong việc hỗ trợ đào tạo, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau khi học nghề. 

Năm 2014 vừa qua, TT KN-KN Kiên Giang đã đào tạo được 38 lớp nghề, 940 học viên ở 10 đơn vị huyện thành, thị tham gia. Trong đó nhóm 1 gồm các đối tượng thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc, gia đình chính sách: 539 học viên chiếm 57,34%, nhóm 2 cận nghèo: 65 học viên chiếm 6,91%, nhóm lao động nông thôn khác: 336 học viên chiếm 35,75 %. Số học viên được cấp giấy chứng nhận nghề nông nghiệp sau đào tạo đạt > 85%. Theo số liệu khảo sát, số người có việc làm, tăng thu nhập kinh tế gia đình sau học nghề đạt > 70%. Kết quả này đã minh chứng cho vai trò hiệu quả của công tác đào tạo nghề nông nghiệp theo Quyết định 1956/QĐ.TTg, đặc biệt là đối với nhóm người nghèo, người dân tộc giúp họ có được kiến thức, kỹ năng thực hành để phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, có thêm việc làm, thu nhập, từ đó sẽ giảm dần được tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực nông thôn.


Thu Thủy

Trung tâm KN-KN Kiên Giang