Trở lại Bản Xèo vào những ngày đầu xuân năm mới Ất Mùi, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được đó là sự thay da đổi thịt ở vùng đất nơi đây: Điện lưới quốc gia, nước sạch tới từng gia đình, hệ thống đường giao thông đã được đầu tư, cải tạo, mạng lưới y tế được trang bị, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo tốt công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền tại địa phương; công tác tuyên truyền, vận động của các tổ chức đoàn thể được quân tâm đẩy mạnh; công tác ninh trật tự trên địa bàn được củng cố, giữ vững, các thiết chế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng. Nhờ đó, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Là một trong 36 xã được chọn làm xã xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2016 – 2020, tuy nhiên trong 3 năm qua bằng nội lực của người dân cùng với việc lồng ghép với các chương trình dự án của nhà nước UBND xã đã đầu tư xây dựng hoàn thành nhựa hóa 7km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn 100%; hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được đầu tư, cải tạo với 18 công trình thuỷ lợi đập đầu mối với tổng chiều dài 20 km, trong đó có 15 công trình đã được kiên cố hoá bằng bê tông góp phần cung cấp nước tưới tiêu cho 140 ha đất trồng lúa nước và diện tích trồng hoa màu khác. Ngoài ra bằng các nguồn vốn đầu tư khác nhau với tổng kinh phí 20 tỷ đồng, hiện nay toàn xã đã có 6/7 nhà văn hóa thôn bản đạt chuẩn, 5/7 thôn bản của xã có điện lưới quốc gia; trạm y tế, trường học đã được đầu tư nâng cấp góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trên địa bàn. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện đầy đủ, Số hộ gia đình văn hóa là 362/455 hộ, số hộ được xem ti vi là 75 %, Tỷ lệ thanh, thiếu niên từ 15 đến hết 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS (cả hệ bổ túc) đạt 90 %. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học phổ thông, bổ túc, học nghề chiếm 86,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo > 20%; 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế, xã không còn nhà tạm, dột nát. Năm 2014 thu nhập bình quân đầu nghề đạt 9,5 triệu đồng/người/năm góp phần làm giảm  tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của xã từ 2-3%. Song song với công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nông nghiệp cũng được quan tâm chỉ đạo. Các tổ chức đoàn thể tại địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân trong việc chuyển đổi cơ cầu cây trồng vật nuôi; ứng dụng và triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất bằng việc đưa các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn xã.

Đi đôi với phát triển kinh tế nông nghiệp thì phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn cũng được UBND xã quan tâm đầu tư trong đó tập trung đẩy mạnh các hoạt động sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và được coi là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Rượu Shan Lùng một sản phẩm truyền thống mang hương vị và bản sắc riêng của dân tộc Dao đỏ thôn Shan Lùng, sản phẩm không chỉ được biết đến trong tỉnh, các địa phương lân cận mà còn được bán giới thiệu tại các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chi Minh...Trong những năm qua, dưới sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền vận động các hộ trong thôn Shan Lùng đã tập trung sản xuất, năm 2014 với 30 hộ sản xuất với sản lượng đạt 100.000 lít doanh thu ước đạt 3,0 tỷ đồng thu nhập trung bình 100 triệu đồng/hộ/năm, sản phẩm của các hộ dân sản xuất ra Công ty cổ phần du lịch dầu khí Sa Pa tiêu thụ.

Ngoài rượu Shan Lùng thì miến dong Thành Sơn một sản phẩm truyền thống tại địa phương đã bị mai một, thất truyền cũng được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm đầu tư khôi phục lại bằng việc tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây đao riềng, thành lập HTX Thành Sơn gắn các hoạt động thu mua nguyên liệu với chế biến miến dong thương phẩm. Bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, Chi cục Phát triển nông thôn được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giao chủ đầu tư và tổ chức, triển khai dự Bảo tồn và phát triển làng nghề chế biến miến đao xã Bản Xèo giai đoạn 2014 - 2015, trong đó năm 2014 đơn vị đã đầu tư đồng hệ thống dây truyền máy móc chế biến miến hiện đại cùng với hệ thống xử lý nước thải sau chế biến tạo ra sản phẩm miến đao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phầm lần đầu tiên được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng chấp nhận và đánh giá cao. Trong năm 2015 Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đầu tư một số hạng mục hoàn thiện dây truyền chế biến, xây dựng mô hình điểm chế biến bã thải làm phân vi sinh. Dự án sau khi được đầu tư đảm bảo tiêu thụ 100% sản lượng của đao của bà con sản xuất ra, đồng thời thông qua chế biến đưa ra thị trường hàng năm khoảng 30 tấn miến doanh thu ước đạt 2 tỷ đồng, dự án đã góp phần tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào dân tộc nghèo tại địa phương, đóng góp ngân sách và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển góp phần hoàn thành tiêu chí số 10 và 13 trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Chi cục PTNT Lào Cai và UBND xã Bản Xèo tổ chức bàn giao các hạng mục đầu tư dự án năm 2014 thuộc Dự án Bảo tồn và phát triển làng nghề chế biến miến đao xã Bản Xèo giai đoạn 2014-2015

Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, sự vào cuộc của cấp ủy đảng chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân tính đến hết năm 2014 xã đạt 6/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao và vượt khó đi lên của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hy vọng Bản Xèo  sẽ hiện thực hóa được ước mơ xây dựng NTM trên quê hương mình và hứa hẹn sẽ về đích sớm trong công cuộc xây dựng nông thôn mới huyện Bát Xát giai đoạn 2016 - 2020.

Minh Nguyệt

Chi cục PTNT Lào Cai