Thực hiện kế hoạch triển khai mô hình “Dân vận khéo” theo Đề án 24 của Tỉnh ủy Lào Cai, được sự hướng dẫn của Ban dân vận Huyện ủy, Đảng ủy xã Tà Chải đã giao cho Ban Tuyên vận xã đã tiến hành thực hiện khảo sát để lựa chọn địa bàn xây dựng mô hình “Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Mô hình bắt đầu được triển khai từ vụ đông xuân 2013 - 2014. Qua khảo sát cho thấy, thực tế xã Tả Chải có rất ít đất sản xuất nông nghiệp, bà con lại chỉ thực hiện gieo trồng 1 vụ lúa/năm. Do vậy thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của nhân dân thấp, thu nhập bình quân đầu người chung của toàn xã mới đạt 12 triệu đồng/người/năm, thấp hơn so với tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới là 4 triệu đồng, đặc biệt là đối với thôn Na Pác Ngam. Đây là một trong những thôn gần trung tâm nhưng lại rất ít đất canh tác nên đời sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 23,95%. 

Cánh đồng  sản xuất cây rau bắp cải tăng vụ trong vụ đông ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tả Chải.

Chị Trần Thị Bích Ngọc – Phó trưởng Ban Tuyên vận xã Tà Chải cho biết: “Từ kết quả khảo sát và bàn bạc, thống nhất với nhân dân, Ban Tuyên vận xã đã tham mưu cho xã quyết định chọn cánh đồng lúa 1 vụ của thôn Na Pác Ngam để thực hiện xây dựng mô hình với sự tham gia của 7 hộ gia đình”.

Với kinh phí 20 triệu đồng được hỗ trợ theo đề án 24 của Tỉnh ủy, xã Tả Chải đã phân bổ hợp lý cho các hoạt động tuyên truyền, vận động, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón cho nhân dân… để triển khai thực hiện mô hình. Theo đó, căn cứ vào đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và các cây trồng chủ yếu ở địa phương, xã chỉ đạo các ngành tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện 3 vụ/năm/đơn vị diện tích đất canh tác, thực hiện trồng xen canh, gối vụ giữa các loại cây lương thực với các loại cây hoa màu, không để đất bỏ hoang, nhàn rỗi. Đây được xem là một trong những công tác đặc biệt quan trọng, vì muốn thực hiện thành công mô hình, trước tiên phải làm cho bà con nhận thức được hiệu quả đem lại của việc thâm canh tăng vụ, từ đó thay đổi thói quen canh tác 1 vụ trước đây. Tiếp đó, công tác hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc trong từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây trồng cho bà con cũng được xã đặc biệt chú trọng. Qua tuyên truyền, vận động nhân dân đã nhận thức rõ và tích cực tham gia, thực hiện. Các loại giống lúa, ngô mới, các loại cây hoa màu như: đậu tương, khoai tây, rau bắp cải… được bà con áp dụng đưa và trồng luân canh, gối vụ trên cánh đồng thay vì bị bỏ hoang sau mỗi vụ lúa như trước kia, từ đó năng suất, sản lượng cây trồng từng vụ tăng lên rõ rệt. Bà Vàng Thị Kiều và ông Lâm Văn Lương, là hai hộ dân tham gia mô hình ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tả Chải chung ý kiến: “Trước gia đình và bà con trong thôn chỉ có thói quen trồng ngô, lúa 1 vụ/năm, tham gia mô hình được tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn lựa chọn và tiến hành các khâu gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây rau màu phù hợp với vụ đông địa phương; hỗ trợ kinh phí, gia đình và bà con đã có thêm thu nhập. Vụ đông xuân năm 2014 - 2015, mặc dù không có kinh phí hỗ trợ, nhưng bà con nông dân chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện và mở rộng quy mô trồng cây rau màu vụ đông tăng vụ…”.

Kết thúc vụ đông xuân năm 2013 - 2014, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, thu nhập của các hộ tăng từ 3 đến 5 lần so với trước đây, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm 6 hộ, còn 17 hộ (16,4%), thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 14 triệu đồng/người/năm…

Trên cơ sở đó, vụ đông xuân năm 2014 - 2015, mặc dù tỉnh đã tạm ngừng không cấp kinh phí hỗ trợ giống cây và phân bón nhưng các hộ gia đình vẫn tự đầu tư giống, phân bón để tiếp tục thực hiện thâm canh tăng vụ và còn đưa các loại cây trồng có năng suất cao khác vào thực hiện thí điểm. Ban Tuyên vận xã tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình, thu hút đông đảo bà con nông dân ở 9/9 thôn, bản toàn xã hưởng ứng tham gia thực hiện, tích cực gieo trồng rau màu vụ đông trên đất lúa 1 vụ, thâm canh, tăng vụ.

Từ kết quả của mô hình đã giúp xã Tả Chải phấn đấu hoàn thành 2 tiêu chí khó về thu nhập và hộ nghèo vào cuối năm 2014, xã Tả Chải về đích nông thôn mới trước thời hạn 1 năm. Đến thời điểm hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 18,11 triệu đồng/người/năm. Tiêu chí hộ nghèo, xã có 691 hộ trong đó còn 60 hộ nghèo chiếm 8,6%. Hiện xã có 1.329 lao động có việc làm thường xuyên chiếm 91,2% lao động trong toàn xã.

Bà Trần Thị Bích Ngọc - Phó trưởng Ban Tuyên vận xã Tà Chải khẳng định: “Hiệu quả lớn nhất của mô hình đem lại đó là đã làm thay đổi được nhận thức của bà con nông dân vùng cao trong việc lựa chọn giống cây trồng có năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao và các loại cây xen canh, gối vụ theo đúng nông lịch. Đặc biệt, là đã nâng cao được ý thức tự giác của bà con nông dân trong việc đầu tư phát triển sản xuất của gia đình mà không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Mô hình cũng có tính khả thi cao, có thể áp dụng để tuyên truyền, vận động nhân rộng tại xã Tả Chải nói riêng và toàn huyện, giúp bà con nông dân vùng cao xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”./.

      Tráng Xuân Cường

Đài TT-TH huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai