Nông dân điển hình trong chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng sen ở xã Phú Lộc là anh Nguyễn Văn Cảnh. Anh Cảnh hiện có 2,5 ha đất trồng sen. Thời điểm hiện tại, sen được 60 - 70 ngày tuổi, đang trổ bông và bắt đầu thành gương sen, khoảng 20 ngày nữa sẽ bắt đầu thu hoạch.

Anh Cảnh chia sẻ, cây giống anh trồng là giống sen Đài Loan mua từ nông dân địa phương với giá 1.000 – 2.000 đồng/cây con. Nên chọn giống có một lá non, còn rễ, có con nhỏ và ngó sen cặp gốc, trồng sẽ mau phát triển. Phải xới đất 2 - 3 lần, san phẳng mặt ruộng, tạo đường nước để dễ thay nước khi sen ra bông, không bị thối ngó và phải xịt thuốc diệt ốc trước khi trồng sen. Ruộng sen nên có lớp bùn đáy dày khoảng 20 - 30 cm. Mật độ trồng: cây cách cây  2,5 m, hàng cách hàng 2,5 m. 1 ha trồng khoảng 2.000 bụi sen. Trồng dày sen không đủ diện tích phát triển, cho năng suất thấp. Thời gian trồng đến thu hoạch là 3 tháng.

Khi sen còn nhỏ giữ nước trên ruộng 10 cm. Ở giai đoạn này sen thường bị bệnh thối cây nên theo dõi và cấy dặm lại. Khi sen được 1 tháng tuổi, giữ mực nước trung bình trên ruộng 15 – 20 cm. Sen khoảng 20 - 30 ngày bón phân lần 1 (DAP, URE, 20-20-15), 2 - 3 kg/1.000 m2. Sen 60 - 70 ngày bón phân lần 2 (DAP, URE, 20-20-15), 10 - 15 kg/1.000 m2. Dùng thuốc kích thước sinh trưởng Atonik và Comcat với liều lượng: 2 gói/1.000 m2. Ngoài việc bón phân cân đối, khi sen bắt đầu ra bông thì 3 - 4 ngày phải thay nước để hạn chế bệnh làm thối ngó sen.  

Khi sen ra bông thường dễ bị sâu ăn lá, bọ trĩ, bọ nhớt,… xuất hiện nhiều nhất là bọ trĩ. Sử dụng thuốc ADAMA với liều lượng 1/2 gói/1.000 m2. Khi cây sen đứng lá đều thì 15 ngày xịt một lần. Trung bình xịt thuốc ADAMA khoảng 3 lần/1 vụ sen.

Để phòng và trị sâu ăn lá, anh Cảnh sử dụng thuốc trừ sâu Dupont Prevathon. Khi sen được 50 ngày tuổi thì xịt 1 lần và 65 ngày xịt lần 2 với liều lương: 10 ml thuốc sâu/bình xịt 25 lít/1.000 m2. Trong lúc thu hái hoặc đi chăm sóc nếu phát hiện sâu trên lá thì hái lá sen bị sâu vùi xuống bùn.

Sau khi trồng 1,5 - 2 tháng lá sen trải rộng khắp mặt ruộng, khoảng 60 - 70 ngày ruộng sen bắt đầu ra bông (bông gió) và gương sen phát triển, hạt chín. Khoảng 20 ngày tiếp theo sẽ cho thu hoạch.

Sau 90 - 100 ngày bắt đầu thu hoạch, mỗi đợt thu gương sen cách nhau 3 ngày. Thời gian thu hoạch khoảng 45 ngày thì kết thúc vụ sen.

Anh Cảnh chia sẻ  thêm, năng suất bình quân của sen đạt từ 500 – 700 kg/1.000m2. Giá bán sen lụa 8.000 - 9.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí khoảng  1.500.000 đồng/1.000m2 thì lợi nhuận thu được từ trồng sen của gia đình anh Cảnh  đạt khoảng 2.500.000 đồng/1.000m2 trong thời gian canh tác khoảng 5 tháng (1 vụ). Nếu tính trên tổng diện tích trồng sen là 2,5 ha thì gia đình anh Cảnh thu được khoảng trên 60 triệu đồng 1 vụ trồng sen.

Theo anh Cảnh nhận xét, so với trồng lúa thì trồng sen nhẹ công chăm sóc hơn, ít sử dụng phân, thuốc sâu hơn lúa và có hiệu quả cao hơn so trồng với lúa.

Thông thường, ở vụ đông xuân sen cho năng suất không cao so với vụ hè thu. Tuy nhiên, vụ hè thu giá bán lại không cao như vụ đông xuân. Đến khoảng tháng 11 - 12 (âm lịch) sen có thể có giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/kg.

Hiện nay, kinh tế gia đình anh Cảnh ngày càng ổn định do chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen. Bên cạnh đó, mô hình của anh cũng đã góp phần tạo thêm việc làm cho lao động trong xã từ việc thu hái gương sen.

Anh Cảnh bên ruộng sen của gia đình

Ngoài thu hái gương sen, cây sen còn cho thêm các nguồn thu khác như: ngó sen, củ sen, lá sen và bông sen góp phần gia tăng chỉ tiêu thu nhập cho đời sống hộ gia đình ở nông thôn trong lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới.

Hiện nay, toàn xã Phú Lộc đang có diện tích trồng sen 160 ha. Cây sen đã góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân so với việc trồng lúa. Không chỉ vậy, những đầm sen này còn tạo nên một nét đẹp không gian, một nét đẹp văn hóa ở vùng nông thôn vì bông sen đã được ví là Quốc hoa của đất nước Việt Nam.

Để phát triển mô hình trồng sen một cách bền vững, thiết nghĩ địa phương cần có quy hoạch cụ thể vùng trồng sen để tránh việc bà con trồng tự phát làm ảnh hưởng đến việc canh tác của một số cây trồng khác. Đồng thời, cần có sự gắn kết trong tiêu thụ để tránh trường hợp cung nhiều hơn cầu và thị trường sẽ rớt giá như một số mặt hàng nông sản ở thời gian qua ./.

Thái Thị Thùy Chân

Trạm Khuyến nông thị xã Tân Châu - An Giang