Xã Ô Lâm là xã vừa đồng bằng vừa đồi núi, có hơn 11 ngàn dân, trong đó trên 97% là dân tộc Khmer sinh sống với chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp phần lớn là đồi núi. Nước phục vụ nông nghiệp còn khó khăn nên việc trồng trọt của bà con gặp không ít khó khăn.

Những năm gần đây, chính quyền xã Ô Lâm đã tích cực thực hiện nhiều chương trình xoá đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Nhiều giống cây chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Những vùng đất cằn cỗi trên đồi núi được cải tạo để áp dụng thử nghiệm những giống cây trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng của địa phương. Bên cạnh việc trồng lúa, bà con cũng đã có chuyển hướng sang chuyển màu như trồng bắp (ngô), khoai lang, mè (vừng), đậu phộng (lạc)... Vụ đông xuân 2017, xã Ô Lâm đã gieo trồng được 93,15 ha các loại rau màu, trong đó diện tích bắp là 4,7 ha.

Ngay từ sáng sớm, bà con xã Ô Lâm đã khẩn trương thu hoạch bắp vụ đông xuân để nhanh chóng trả lại đất cho vụ lúa hè thu đang cận kề.

Vụ đông xuân năm nay, gia đình anh Chau Riênl ngụ ấp Phước Thọ, trồng 2 công bắp lai. Đây là năm đầu tiên gia đình anh thử chuyển từ trồng lúa sang trồng màu. Hiện nay đã thu hoạch xong. Anh Chau Riênl chia sẻ, bắp cho hiệu quả khá, trừ chi phí, 2 công bắp lãi khoảng 6 triệu đồng (giá bán được 3.600 đồng/kg). Đặc biệt đến khi thu hoạch hết trái thì cây có thể làm thức ăn cho bò.

Anh Chau Riênl chia sẻ thêm: “Vào mùa khô, đất ruộng trồng màu dễ dàng hơn, việc bơm nước lên cũng không cực bằng trồng lúa. Mình trồng lúa nhiều vụ trong năm nhưng nếu chuyển qua trồng 1 vụ màu thì sẽ cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Do năm đầu tiên thử trồng bắp nên cũng khó khăn chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác. Năm sau mà trồng nữa có kinh nghiệm sẽ cho năng suất hơn”.

Việc chuyển sang cây trồng cạn đang có những thuận lợi nhất định, do có sự tham gia tích cực của các cấp bộ, ngành, địa phương. Cùng với đó là qua thực tế mỗi mùa vụ, người nông dân thu nhập ngày một cao, nên tích cực tham gia vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên mảnh đất của mình.

Bà Néang Nho cùng ngụ ấp Phước Thọ cho biết: “Trước đây tôi quen trồng lúa nhưng hiệu quả thấp, có nhiều vụ phải ngừng sản xuất. Nay được cán bộ xã vận động, gia đình tôi cải tạo đất, chuyển qua trồng bắp với diện tích 1,5 công. Sau thu hoạch, gia đình có thu nhập ổn định hơn”.

Trong thời gian tới, xã Ô Lâm tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương, tăng cường nâng cao kiến thức sản xuất cho nông dân, phấn đấu trong năm 2017, tổng sản lượng lương thực đạt gần 25.000 tấn. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, tích cực chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân địa phương.

Neáng Sóc Phuông

Đài Truyền thanh huyện Tri Tôn, An Giang