Trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác công tư giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam nhằm tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông và nông dân về ứng dụng cơ giới hóa trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa; Ngày 06/01/2021, tại xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú tỉnh An Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Trung tâm Khuyến nông An Giang phối hợp công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức hội thảo, trình diễn xử lý cỏ dại trên cây lúa bằng công nghệ drone (thiết bị bay không người lái).

Tại buổi trình diễn, thiết bị drone được sử dụng phun thuốc có tên HLD 18 do  Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (HIRA - trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ) nghiên cứu, sản xuất; và loại thuốc cỏ sử dụng là thuốc Sofit 300 EC của Công ty TNHH Syngenta để quản lý cỏ dại đầu vụ. Quy mô trình diễn 0,8 ha; ứng dụng drone phun thuốc cỏ Sofit 300 EC trong thời gian khoảng 20 phút; so với nông dân phun xịt thuốc bằng thủ công mất thời gian khoảng 2,5 giờ.

Nông dân hào hứng chứng kiến thiết bị drone hoạt động tại điểm trình diễn

 

Tại buổi hội thảo trình diễn, nông dân rất quan tâm, tâm đắc với sự vận hành của công nghệ drone để phun thuốc bảo vệ thực vật và đặt nhiều câu hỏi cho các đại biểu tham dự như: hiệu quả của thuốc khi sử dụng với lượng nước ít để phun xịt; các loại thuốc bảo vệ thực vật có thể sử dụng với thiết bị drone; giá thành của thiết bị; chế độ bảo hành, bảo dưỡng, thủ tục xin phép vận hành thiết bị; các chính sách hỗ trợ,... Các ý kiến đã được ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, ông Nguyễn Thành Trung - Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc và bà Huỳnh Đào Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang giải đáp thỏa đáng.

Ngoài ra, nông dân cũng được các chuyên gia thông tin, giải thích về lợi ích khi ứng dụng thiết bị drone phun thuốc bảo vệ thực vật như drone được lập trình chính xác, điều khiển dễ dàng, có thể phục vụ trên diện tích rộng, công suất có thể phun thuốc đến 25 ha/ngày, giúp tăng hiệu suất lao động, giảm công lao động nặng nhọc, phun thuốc với độ chính xác cao, hiệu quả phun đều và mịn, giảm giẫm đạp lúa khi người đi phun xịt, hạn chế dư lượng của thuốc phun tưới trên đồng ruộng gây ô nhiễm và đặc biệt giảm nguy cơ ảnh hưởng có hại cho sức khỏe của nông dân (thay vì phun thuốc thủ công).

Công ty, cán bộ khuyến nông và chủ ruộng tham gia mô hình sẽ tiếp tục theo dõi hiêu lực diệt cỏ bằng thuốc Sofit khi ứng dụng drone và sẽ thông tin chi tiết đến nông dân tại cuộc hội thảo khác vào cuối vụ.

Tại hội thảo nông dân rất hài lòng với việc ứng dụng công nghệ drone và nông dân hy vọng với tính năng ưu việt cộng với chính sách, giá thành phù hợp của drone, dần dần giúp nông dân có cơ hội tiếp cận, ứng dụng công nghệ trên đồng ruộng và nhằm giảm áp lực tác hại khi người nông dân phun xịt trực tiếp thuốc bảo vệ thực vật./.

Cù Minh Thanh Tú

Trung tâm Khuyến nông An Giang