Công ty Nedspice Việt Nam (Bình Dương) là một trong những doanh nghiệp đầu tiên có kế hoạch đầu tư vào mô hình “cánh đồng lớn” tại BR-VT. Hiện nay, tại tỉnh Bình Phước, Nedspice đang thực hiện mô hình “cánh đồng lớn” với sự tham gia của hơn 1.500 hộ nông dân trồng hồ tiêu. Theo đó, các nông dân tham gia sẽ thực hiện theo quy trình sản xuất sạch theo chuẩn quốc tế, Công ty Nedspice thu mua và chế biến xuất khẩu. Mỗi năm công ty xuất khẩu ra các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu khoảng 15 ngàn tấn hồ tiêu đã qua chế biến.

Ông Lê Thanh Hùng, Quản lý Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty Nedspice Việt Nam cho biết, mô hình canh tác theo phương thức “cánh đồng lớn” có nhiều ưu điểm. Do diện tích sản xuất tập trung nên nông dân dễ áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa sản xuất nông sản để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm”.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, nhiều DN, HTX trên địa bàn tỉnh cũng đang có dự định xây dựng các chuỗi liên kết, canh tác theo mô hình “cánh đồng lớn”. Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Bầu Mây, huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay công ty đã liên kết được 12 thành viên với hơn 70 ha sản xuất tiêu sạch hữu cơ, trong đó có 15 ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm xuất khẩu 300 tấn tiêu tươi và tiêu đỏ. Công ty đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin chủ trương của tỉnh nhằm xây dựng mô hình canh tác “cánh đồng lớn” trên diện tích 200 ha tại xã Hòa Hiệp.

Theo bà Phạm Thị Thúy Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, nhiều loại nông sản của tỉnh đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nông dân chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chưa thể phát huy hết tiềm năng.Vì vậy, việc xây dựng “cánh đồng lớn” như Bầu Mây, Nedspice VietNam trồng hồ tiêu khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là hết sức cần thiết. Do đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển “cánh đồng lớn” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn.

Bà Yến cho biết: “Lúa và hồ tiêu là 2 loại nông sản đầu tiên được chọn để thực hiện mô hình. Đây là 2 loại nông sản chủ lực, có diện tích canh tác lớn, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Theo khảo sát, đây cũng là 2 loại nông sản nhiều DN, HTX có nhu cầu đầu tư, liên kết với nông dân - điều kiện tiên quyết để mô hình này có thể thành công”.

Để xây dựng thành công các “cánh đồng lớn”, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT, những việc cần làm trong thời gian tới là kiện toàn HTX; thúc đẩy việc dồn điền, đổi thửa tạo diện tích lớn để tổ chức sản xuất; tăng cường tập huấn những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ sản xuất lúa và hồ tiêu như: quy trình kỹ thuật sản xuất lúa, giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, kiến thức về an toàn thực phẩm trên cây lúa... Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng sẽ tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn, nhằm hướng dẫn khuyến khích nông dân tham gia Dự án sản xuất đạt chứng nhận hoặc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (sản xuất nông nghiệp sạch) hoặc các tiêu chuẩn khác đáp ứng yêu cầu của thị trường… Mặt khác, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh đang thực hiện đồng loạt nhiều biện pháp như mời gọi các DN tham gia các dự án cánh đồng lớn với các chính sách ưu đãi; khuyến khích DN đầu tư xây dựng mới các cơ sở chế biến kho chứa có công suất lớn; hỗ trợ các DN tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu lúa, gạo và hồ tiêu của tỉnh thông qua các hội trợ triển lãm trong và ngoài nước. 

Quang Vinh