Phụ trách về kỹ thuật của hợp tác xã là kỹ sư Phan Văn Hùng, người đã có gần 27 năm nghiên cứu đặc điểm sinh học và dinh dưỡng của cá chình, tham gia tập huấn nhiều vùng nuôi trên cả nước. Theo quy chế hoạt động, hàng tháng, hợp tác xã sẽ tổ chức giới thiệu, chia sẻ với người nuôi cá chình về kinh nghiệm nuôi hiệu quả, phương pháp nuôi mới. Hợp tác xã cũng tổ chức lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần cuối mỗi tháng tại Hội trường Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu.

Anh Hùng cho biết ở Việt Nam, cá chình sinh sống từ tỉnh Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là đầm Châu Trúc (tỉnh Bình Định) và sông Ba (Đà Rằng - tỉnh Phú Yên). Hai nơi này hàng năm cung cấp hầu hết cá chình giống cho bà con nông dân tại các vùng nuôi lớn. Việc sinh sản nhân tạo cá chình đến nay vẫn chưa có ai nghiên cứu thành công, tất cả cá chình giống nuôi hiện nay đều dựa vào khai thác từ tự nhiên. Cá chình giống cỡ 20-30 con/kg, sau 2 năm nuôi cá đạt trung bình 2 kg/con. Với giá bán dao động từ 380.000 – 480.000 đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí, người nuôi thu lợi ít nhất 200.000 đồng/kg. Ngoài thị trường trong nước, cá chình của Việt Nam còn được xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu.

Tuy nhiên để nuôi được cá chình có kích thước thương phẩm và có tỷ lệ sống cao đòi hỏi nguồn cá chình giống đảm bảo, người nuôi nắm vững kỹ thuật và biết cách xử lý khi thay đổi thời tiết hoặc cá bị bệnh… Vì vậy, việc thành lập hợp tác xã sẽ hỗ trợ cho người nuôi rất nhiều.

Theo kế hoạch vào năm 2018 hợp tác xã cung cấp 500.000 con giống, sang đầu năm 2019 hợp tác xã cố gắng cung cấp cho bà con 1 triệu con giống. Khi mua con giống tại Hợp tác xã bà con ngoài tỉnh được giảm giá 15%, trong tỉnh được giảm giá đến 20% so với giá thị trường. Ngoài ra bà con mua giống được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy sản Suối Giàu hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chình.

Trọng Hoàng

Trung tâm KN Bà Rịa Vũng Tàu