Dứa Queen “lên ngôi”

Từ những năm 1980, nhiều hộ dân ở Lục Nam đã đưa cây dứa Queen vào trồng trên những vùng đồi thấp, trồng xen dưới tán vải thiều. Vì xác định không phải là cây trồng chính nên cây dứa không được đầu tư nhiều về giống, phân bón, chăm sóc nên năng suất thấp, mẫu mã xấu, không tiêu thụ được. Từ đó cây dứa dần mai một, không được để ý tới, người dân quay sang trồng vải thiều. Nhưng đến năm 2002, khi cây vải thiều cho thu nhập thấp, không hiệu quả, người dân ở Bảo Sơn không quên được cây dứa và có hướng chuyển đổi diện tích vải sang trồng dứa. Lúc đầu, các hộ chỉ trồng với diện tích nhỏ, sau khi thấy hiệu quả dứa đem lại khá cao, UBND xã Bảo Sơn vận động người dân trồng lại cây dứa và định hướng phát triển nhân rộng thành vùng đặc trưng. Dứa Queen được “lên ngôi” từ đó.

Anh Nguyễn Trung Tuấn - cán bộ khuyến nông xã Bảo Sơn nhớ lại, thời điểm đó, người dân trong xã lựa chọn cây dứa vì dứa có nhiều ưu thế so với những cây trồng khác, cùng với những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đã được tích lũy giúp họ tự tin khi xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương.

Đến nhãn hiệu hàng hóa tập thể

Tháng 11 năm 2014, dứa Lục Nam được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Với mục tiêu đưa cây dứa trở thành cây trồng trọng điểm, huyện Lục Nam tiếp tục mở rộng diện tích dứa Queen sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau khi huyện xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh, nhiều hộ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP vào trồng dứa. Các hộ tham gia mô hình tự tổ chức sản xuất trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và các cơ quan chuyên môn. Theo đó, 15 ha dứa Queen của 15 hộ trồng dứa tại thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn đã được thực hiện chặt chẽ theo quy trình VietGAP. Ngày 22 tháng 11 năm 2017, UBND huyện Lục Nam đã tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho vùng sản xuất dứa tại xã Bảo Sơn. 15 hộ tham gia mô hình đều được đánh giá đạt yêu cầu theo quy định và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn VietGAP cho toàn bộ diện tích tham gia dự án.

Ông Giáp Văn Hưởng ở thôn Đồng Cống, xã bảo Sơn, huyện Lục Nam là hộ tham gia trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP cho biết, gia đình trồng 1,5 ha dứa Queen, với mật độ trồng 50.000 cây/ha, trung bình mỗi quả đạt 0,7 kg/quả, năng suất dứa bình quân đạt 30 tấn/ha, giá bán 10 nghìn đồng/kg, đem lại thu nhập 300 triệu đồng/ha. Theo ông Hưởng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đã giúp các hộ xử lý cho dứa ra quả trái vụ, quả có vị ngọt sắc và thơm hơn. Nhiều hộ dân đã mở rộng quy mô sản xuất.

Ở vụ đông này, toàn xã có khoảng 420 ha dứa Queen, trong đó 170 ha đang cho thu hoạch còn lại 250 ha cho thu hoạch vào dịp tết Nguyên đán và nhân giống cho vụ sau.

Cánh đồng dứa Queen đang chuẩn bị cho thu hoạch

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nếu trồng dứa Queen theo tiêu chuẩn VietGAP, sau 1 năm kể từ khi xuống giống là bắt đầu cho thu hoạch. Năng suất đạt cao gấp 3 lần so với cách trồng truyền thống, tỷ lệ dứa loại 1 đạt 90% (cách trồng truyền thống chỉ đạt 50 - 60%).

Cùng thôn với ông Hưởng, gia đình anh Nguyễn Cao Minh trồng 1,5 ha dứa Queen. Anh Minh cho biết, cách đây vài năm, toàn bộ diện tích trên là trồng vải thiều, keo, bạch đàn. Anh Minh đã mạnh dạn đưa cây dứa Queen vào thâm canh và áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sự tư vấn của cán bộ khuyến nông và chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc ngay từ đầu nên cây dứa phát triển tương đối tốt, ít bệnh. Anh Minh cũng cho biết, trồng dứa không khó, cây dứa ít bệnh, chủ yếu là bệnh thối nõn và héo đỏ, chỉ cần người trồng chú ý một chút, còn vất vả nhất là công làm đất ở trên đồi cao.

Theo kinh nghiệm của bà con vùng trồng dứa Bảo Sơn, trồng dứa điều khiển được thời gian ra quả vào hai vụ chính là tháng 6, 7, 8 và vụ tiếp vào tháng 1, 2, 3 dương lịch (tức tháng giáp tết và tháng giêng). Nhờ rải đều thời gian thu hoạch nên không bị thương lái ép giá, nâng cao hiệu quả sản xuất. Khi đã khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng và mẫu mã đẹp, thương lái ở nhiều nơi đã tìm đến Lục Nam đặt các điểm thu mua dứa để chuyển đi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và nhiều tỉnh khác ở miền Bắc. Vừa qua, UBND xã Bảo Sơn đã chọn cây dứa là sản phẩm tiềm năng của xã đăng ký với Sở Nông nghiệp &PTNT, UBND tỉnh trong Đề án “Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang