Ông Nguyễn Văn Sung ở thôn Hương, xã Ngọc Thiện cho biết, từ nhiều năm trước, gia đình ông cùng nhiều hộ trong thôn đã trồng giống ngô ngọt Việt Thái thấy hiệu quả khá tốt nên mỗi năm gia đình ông trồng 8 sào ngô ngọt, đem lại lợi nhuận trên 30 triệu đồng/vụ.

Trước kia người dân ở thôn Hương trồng ngô ngọt theo phương thức truyền thống nhưng vụ Đông năm nay là năm đầu tiên trồng ngô ngọt theo hướng VietGAP. Tham gia mô hình các hộ trong thôn được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô theo tiêu chuẩn VietGAP.  Ngô ngọt có thể trồng được quanh năm, vì khâu chăm sóc không vất vả, sản phẩm cũng dễ bán… Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, bà con nên tính toán thời vụ gieo trồng để tránh ngô trổ cờ phun râu vào các tháng quá khô, quá nóng hoặc rét đậm, rét hại. Ngô ngọt thường để bán ăn tươi nên chỉ khoảng 70 ngày là bắt đầu thu hoạch, do vậy tiền phân bón, thuốc trừ sâu cũng ít tốn kém hơn những loại cây trồng khác. Đồng thời, sản phẩm sản xuất ra còn được Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Minh Quang ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên nông dân rất yên tâm sản xuất.

Cây ngô ngọt bén duyên với đồng đất Ngọc Thiện nói riêng và trên toàn huyện Tân Yên nói chung. Vụ đông năm nay nông dân huyện Tân Yên trồng hàng trăm ha ngô ngọt chủ yếu là giống Việt Thái. Đây là giống ngô ngọt ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao, chống đổ tốt, ít bị nhiễm sâu bệnh. Đến mùa thu hoạch, đơn vị thu mua về địa phương bao tiêu sản phẩm cho bà con. Năm nay, ngô được mùa, cũng được giá nên bà con rất phấn khởi.

Ngô ngọt Việt Thái rất ngon và cho giá trị kinh tế cao rất phù hợp với thời tiết khí hậu nước ta. Mặt khác, nông dân đã quen với việc trồng ngô từ nhiều năm trước, nên trồng ngô ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP cũng không có gì cách biệt lắm.

Chị Đỗ Thị Quyên - Phó trưởng phòng Trồng trọt &BVTV - Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Tân Yên chia sẻ, vụ Đông năm nay, UBND huyện Tân Yên xây dựng, hỗ trợ 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chủ lực của huyện gồm: khoai tây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Hóa (20 ha); sâm nam núi Dành tại xã Việt Lập (1,2 ha); rau, quả chế biến xuất khẩu tại xã Ngọc Thiện (10,6 ha); trồng hoa công nghệ cao tại xã Phúc Sơn (0,4 ha) và măng Lục Trúc tại xã Lan Giới (4 ha) và ngô ngọt tại xã Ngọc Thiện (60 ha).

Đối với diện tích 60 ha ngô ngọt, có 20 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các hộ tham gia được hỗ trợ 100 giống, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học, diện tích còn lại được hỗ trợ 50%.

Anh Vũ Văn Lượng - Giám đốc HTX SXKDNN Minh Quang, trực tiếp bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân

 

Trong các chuỗi liên kết sản xuất ngô, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Nông nghiệp Minh Quang đứng ra tập hợp nông dân để mở rộng diện tích, đồng thời chịu trách nhiệm tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hiện HTX đang ký hợp đồng thu mua cho bà con với giá 9.000 đồng/kg bắp tươi. So với trồng lúa thì trồng ngô cho thu nhập cao gấp 2-3 lần. Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân nên trồng thành nhiều trà khác nhau để rải vụ thu hoạch. Vụ tiếp theo, địa phương khuyến khích bà con có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng trên các chân đất màu kém hiệu quả và đất lúa chuyển đổi nhằm tăng vụ, tăng năng suất và thu nhập cho người dân.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang