Những năm gần đây, cây nhãn đã trở thành một trong những cây ăn quả quan trọng của xã Lục Sơn, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Nhờ có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với cây nhãn nên xã được huyện ưu tiên đầu tư để phát triển trồng nhãn. Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giống, huyện Lục Nam từng bước hỗ trợ xã Lục Sơn hình thành vùng nhãn VietGAP để xây dựng thương hiệu, hướng đến xuất khẩu.

Năm 2016, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam phối hợp với xã Lục Sơn triển khai mô hình áp dụng kỹ thuật VietGAP với diện tích là 130 ha. Đây là diện tích đã được xã Lục Sơn lựa chọn quy hoạch theo đề án phát triển vùng cây ăn quả sạch, an toàn của huyện. Bước đầu mô hình áp dụng tại 6 thôn gồm Vĩnh Tân, Đèo Quạt, Rừng Long, Thọ Sơn, Hổ Lao và Đồng Vành. Hộ dân tham gia được cấp tài liệu, hỗ trợ giá giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Theo đánh giá của UBND xã Lục Sơn, diện tích nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao hơn nhiều so với nhãn trồng thông thường, cây ít sâu bệnh và được thị trường ưa chuộng. Với những kết quả khả quan đạt được là cơ sở để huyện tiếp tục hỗ trợ xã phát triển sản xuất nhãn theo VietGAP.

Lục Sơn phát triển diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP

 

Ông Nguyễn Đình Bến, thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam cho biết, năm 2018 gia đình ông cùng hơn 20 hộ khác trong thôn được huyện hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thí điểm xây dựng mô hình sản xuất nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích 20 ha với các giống nhãn Miền Thiết và siêu ngọt. Năm đầu làm theo quy trình VietGAP nhưng do được chăm bón đúng quy trình kỹ thuật nên quả nhãn to, đều, vỏ vàng, chất lượng nhãn thơm, ngọt hơn, mã đẹp. Với 200 gốc nhãn gia đình ông thu trên chục tấn quả. Việc sản xuất theo VietGAP cho năng suất cao hơn so với sản xuất thường, vì vậy đến nay gia đình ông vẫn áp dụng canh tác nhãn theo quy trình VietGAP.

Còn anh Nguyễn Văn Bá có diện tích nhãn được công nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Vĩnh Tân cho biết, trồng nhãn VietGAP yêu cầu người nông dân cần tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật từ việc vệ sinh vườn, bón phân, cắt tỉa cành, tưới tiêu cho cây, sử dụng thiên địch và các chế phẩm sinh học bảo vệ cây trồng, tránh dùng thuốc bảo vệ thực vật... Người trồng cũng phải ghi chép nhật ký theo dõi chi tiết các khâu như chăm sóc, bón phân, phun thuốc. Song ưu điểm nổi trội từ phương pháp này là tỉ lệ đậu quả cao, ít sâu bệnh, vườn bãi sạch sẽ nên người dân đều nhiệt tình ủng hộ chủ trương phát triển vùng sản xuất sạch của địa phương.

Với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và phát triển kinh tế, năm 2019 Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Lục Sơn đã được thành lập trên cơ sở tự nguyện của những hộ sản xuất nhãn theo VietGAP với tổng diện tích 20 ha. Hợp tác xã là nơi chia sẻ kinh nghiệm, liên kết các hộ trong sản xuất, đẩy mạnh khoa học, kỹ thuật, nhằm tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, từng bước đăng ký sản phẩm OCOP, tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm.

Bằng nhiều nỗ lực, tháng 12 năm 2020, sản phẩm nhãn Lục Sơn đã được chủ tịch UBND tỉnh quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho hợp tác xã Dịch Vụ Nông nghiệp xã Lục Sơn.

Ông Nguyễn Đình Thế - Giám đốc hợp tác xã Dịch Vụ Nông nghiệp xã Lục Sơn cho biết, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nhãn VietGap có tem truy suất nguồn gốc giúp cho sản phẩm được quảng bá ra thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản…

Thực tế sản xuất đã minh chứng, cây nhãn Lục Sơn ngày càng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nên được thị trường đón nhận. Tin rằng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân sẽ tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm, giá trị từ quả nhãn VietGAP để phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Kim Lan

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang