Đây vừa là hướng phát triển nông nghiệp bền vững, vừa thích ứng được sự biến đổi khó lường của khí hậu hiện nay.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, đề án… để hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC như Nghị quyết 130/NQ-TU về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020; Nghị quyết 46/2016/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ nông nghiệp CNC giai đoạn 2017- 2020; Đề án hỗ trợ sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP giai đoạn 2016- 2020; Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn ứng dụng CNC giai đoạn 2016- 2020… Qua đó đã tác động tích cực đến sự phát triển nông nghiệp ứng cụng CNC trên địa bàn tỉnh; mang lại kết quả khá toàn diện với nhiều mô hình đi vào sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) theo chuỗi; sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, một số đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, được tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu như vải thiều, rau an toàn, rau chế biến, gà đồi, thịt lợn sạch; giúp giá trị sản xuất tăng 1,5- 2 lần và thu nhập của người sản xuất tăng 30 -40% so với sản xuất thông thường.

Cụ thể, đến nay toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 100 mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC với tổng diện tích nhà màng, nhà lưới 200.000 m2; 5 mô hình doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất nấm CNC với trên 1.500 m2 nhà lạnh, khoảng 500 m2 nhà màng có khả năng điều chỉnh được các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng; 02 mô hình sản xuất chuyên canh rau ứng dụng CNC tổng quy mô 63 ha tại huyện Yên Dũng và Hiệp Hòa; 165 mô hình cánh đồng mẫu chuyên canh sản xuất lúa chất lượng và cây rau màu các loại; đã có trên 600 hộ tham gia sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu với quy mô khoảng 300.000 m2 lán trại sản xuất nấm.

Toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 100 mô hình sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC với tổng diện tích nhà màng, nhà lưới lên đến 200.000 m2

Trong chăn nuôi đã chuyển giao, ứng dụng và lai tạo các giống trâu, bò cao sản như trâu lai Murrah, bò lai Zebu, bò BBB, bò Úc; các giống lợn siêu nạc như lợn Duroc, Landrace, Yorkshire và con lai giữa chúng như Pidu, Ly; các giống gia cầm cao sản, gà siêu trứng, vịt siêu trứng... Đã áp dụng công nghệ làm kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót nền chuồng, công nghệ tự động hóa trong nuôi gà đẻ trứng... Từ đó đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Hòa Phát triển khai mô hình chăn nuôi lợn theo quy trình CNC với diện tích 110 ha tại xã Long Sơn, huyện Sơn Động, quy mô 5.000 lợn nái và 18.000 lợn thịt/lứa.

Trên lĩnh vực thủy sản, hiện nay Trung tâm Giống Thủy sản cấp I - tỉnh Bắc Giang đã làm chủ công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm một số thủy sản có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh như cá Lăng chấm, cá Anh Vũ, cá rô phi đơn tính, chép lai, diêu hồng... Chăn nuôi thủy sản với hình thức thâm canh, bán thâm canh và an toàn sinh học, sản xuất theo VietGAP cho năng suất cao đã được người dân quan tâm và trở thành xu hướng phát triển mạnh qua các năm. Trong đó diện tích nuôi cá bán thâm canh là 2.300 ha và nuôi theo VietGAP đạt 89 ha.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Đã chuyển giao và ứng dụng các giống bạch đàn mới, keo lai sản xuất bằng phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô tế bào vào trồng rừng sản xuất, đạt 40% tổng diện tích trồng rừng của cả tỉnh. Trung tâm Giống Cây trồng làm chủ được công nghệ nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; giống mới có năng suất, chất lượng tốt, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận như các giống bạch đàn UP99, UP54, UP95 và các dòng keo lai BV10, BV33, BV73. Ưng dụng công nghệ làm đất bằng cơ giới trong khâu cuốc hố trồng rừng tại Công ty TNHH Hưng Thịnh. Công ty CP Thiên Lâm Đạt đã và đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ sản xuất ván MDF chất lượng cao, sử dụng công nghệ của châu Âu với quy mô 150 m3 gỗ sản phẩm/năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn còn một số tồn tại như: Các mô hình ứng dụng CNC cơ bản vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán và chậm nhân ra diện rộng; hàm lượng CNC chưa nhiều, chưa mang tính hệ thống, mới áp dụng ở một số khâu trong quá trình sản xuất; việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học để sản xuất ra những sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm chưa nhiều; nguồn lực đầu tư còn yếu; một số sản phẩm chưa có thương hiệu; việc lựa chọn cây, con giống chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vùng; liên kết còn hạn chế... Do vậy chưa tạo ra sự đột phá trong sản xuất, nhiều mô hình còn mang tính thử nghiệm.

Để các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC thực sự hiệu quả cần có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành và chính quyền địa phương cùng bà con nông dân. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang kiến nghị bộ, ngành trung ương tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; chú trọng, quan tâm đến vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi; dự báo tình hình giá cả thị trường; yêu cầu hộ nông dân chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế và nhu cầu.

Thanh Phúc

TT Khuyến nông Bắc Giang