Theo chân cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý Dự án hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp – LCASP của tỉnh, chúng tôi đến nhà anh Giáp Văn Tuân ở thôn Dễu, xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang để tìm hiểu về hiệu quả của việc xây dựng hầm biogas khi chăn nuôi với quy mô lớn.

Tiếp đón chúng tôi, anh Tuân cho biết, anh bắt đầu chăn nuôi từ năm 2007, ban đầu chỉ nuôi 20 con, sau dần dần thấy chăn nuôi lợn có hiệu quả, anh đầu tư xây chuồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Hàng năm, anh duy trì nuôi từ 200 - 300 con lợn. Năm 2019, vì có dịch tả lợn châu Phi nên anh chỉ nuôi 150 con lợn và chuyển sang nuôi gà 3 máu; mỗi lứa gà anh nuôi khoảng 300 con và nuôi gối nhau. Vì có sự chuẩn bị phòng dịch tốt nên trang trại của anh không bị dịch tả lợn Châu Phi; lợn, gà bán đều được giá, lợn xuất bán tại chuồng từ 45.000 - 55.000 đồng/kg, gà bán được 65.000 - 70.000 đồng/kg. Ngoài chăn nuôi, anh còn trồng  gần 1.000 cây bưởi các loại, khoảng 3.000 gốc chanh, hơn 100 cây mít... để tận dụng nguồn phân bón từ gà. Tổng thu nhập năm 2019 của gia đình anh rơi vào khoảng 02 tỷ đồng. Hiện tại, trong chuồng anh đang nuôi 100 con lợn, 300 con gà; giá lợn đang lên cao nên sắp tới anh dự kiến vào chuồng thêm 30 - 50 con lợn nữa.

Để phát triển chăn nuôi, ngay từ năm 2008, anh đã xây 01 hầm biogas với thể tích 30 m3 để chứa phân và nước thải của lợn, vừa có gas đun nấu lại vừa giảm thiều ô nhiễm môi trường xung quanh. Nhưng từ khi mở rộng quy mô chăn nuôi, thời điểm cao điểm anh nuôi từ 400 - 500 con lợn nên 1 hầm biogas 30 m3 không đủ để chứa lượng chất thải thải ra nên anh phải dòng đường ống xả trực tiếp ra cánh đồng trước cửa nhà. Điều này khiến ruồi nhặng bay khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên, môi trường xung quanh bị ô nhiễm, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình anh cũng như các hộ dân xung quanh. Để giải quyết vấn đề ấy, năm 2019, anh đăng kí tham gia chương trình hỗ trợ xây hầm biogas của Dự án LCASP và được hỗ trợ 50 triệu để xây dựng thêm 01 hầm biogas kiểu KT1 có thể tích 52,2 m3. Anh cho biết, từ ngày có hầm biogas mới, phân và chất thải của lợn, gà cho xuống hầm tình trạng ô nhiễm môi trường không còn tiếp diễn.

Có thể thấy rằng, việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân xây dựng hầm khí biogas của Dự án LCASP Bắc Giang nhằm cải thiện môi trường cần phải tiếp tục được quan tâm để phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn tỉnh và đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh.

Anh Tuân đã yên tâm mở rộng quy mô sản xuất nhờ xử lý triệt để chất thải chăn nuôi

 

Nguyễn Khương

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang