Lê Ngân Sơn được trồng rải rác tại ở các xã Vân Tùng, Đức Vân, Cốc Đán, Bằng Vân, Thượng Ân… Giống lê Ngân Sơn quả to, tròn, trọng lượng quả từ 200 – 300gr/quả. Quả xanh khi ăn có vị hơi chát, quả chín ăn có vị thơm, ngọt. Giá lê bán lẻ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Lê đã một thời là cây trồng xóa đói, giảm nhèo của người dân sinh sống tại các xã vùng cao của huyện Ngân Sơn.

Tuy là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay toàn huyện Ngân Sơn mới chỉ có gần 37 ha cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương, trong đó có khoảng 3 ha lê đang cho thu hoạch. Nguyên nhân diện tích trồng lê trong huyện còn thấp là do chỉ có vùng núi cao mới trồng được, các xã có địa hình thấp đã trồng thử nghiệm nhưng không có quả hoặc ít quả. Trước đây người dân trồng chủ yếu để ăn chứ không xác định là cây trồng chủ lực mang tính hàng hóa do đó ít quan tâm, chăm sóc, cải tạo đất nhiều nên cây bị cằn cỗi và chết.

Để từng bước khôi phục và phát triển cây lê trở thành cây trồng chủ lực mang tính hàng hóa, có tính cạnh tranh của địa phương, những năm qua phòng chuyên môn đã tham mưu cho huyện xây dựng mô hình thâm canh, cải tạo, đưa các giống lê mới vào trồng thử nghiệm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích tại các xã vùng cao, hình thành vùng cây trồng đặc sản theo hướng hàng hóa, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân nơi đây.

Không chỉ chú trọng cải tạo, thâm canh những diện tích lê hiện có, những năm qua, huyện Ngân Sơn đã phối hợp với các đơn vị chuyển giao khoa học đưa các giống lê mới vào trồng thử nghiệm nhằm đánh giá khả năng thích ứng của giống, năng suất, chất lượng so với giống lê hiện có tại địa phương. Năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn” ở thôn Đèo Gió với diện tích 3 ha, gồm 4 hộ tham gia. Với những ưu điểm nổi bật như hoa ra muộn, chín trước lê địa phương khoảng 1 tháng nên giống lê VH6 được lựa chọn để trồng thử nghiệm; giống đối chứng là giống lê nâu bản địa được nhân giống từ cây trội, chọn lọc tại địa phương.

Đến nay sau gần 4 năm triển khai, thực hiện dưới sự hướng dẫn tận tình, tỷ mỉ của các các nhà khoa học, từ cách trồng, chăm sóc, quản lý, cắt tỉa, tạo tán…, cây lê đã bắt đầu cho những trái ngọt đầu tiên. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, cũng như thị sát thực tế tại điểm triển khai mô hình nhận thấy giống lê VH6 tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao hơn so với giống lê địa phương (trung bình mỗi cây ra từ 20 – 50 quả); quả to, đều, đẹp mã; ăn ngon, thịt quả mềm, mọng nước, ngọt thanh, không có vị chát, không hóa nâu như giống địa phương, trọng lượng quả cao hơn giống địa phương 25%.

Thành công từ mô hình trồng thử nghiệm giống lê VH6 sẽ mở ra hướng đi mới giúp địa phương định hướng vùng trồng, từng bước mở rộng diện tích, góp phần đưa cây lê trở thành cây trồng hàng hóa, đủ sức cạnh tranh trên thị trường./.

Mô hình thử nghiệm giống lê VH6 tại Đèo Gió, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn

 

Ma Thế Sơn

Công ty TNHH Vietnam Misaki