Hiện tại, tổ hợp tác trồng hẹ ở ấp Quốc Kỷ có 27 thành viên là hội viên hội phụ nữ ấp tham gia canh tác trên 3 ha đất trồng rau màu. Khi tham gia tổ hợp tác, mỗi thành viên đều được hỗ trợ vốn ban đầu từ 2 đến 4 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng hẹ. Đồng thời chị em còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hẹ

Chị Nguyễn Thị Kim Lan, Chi Hội trưởng Chi Hội Phụ nữ ấp Quốc Kỷ cho biết: “Tổ hợp tác trồng hẹ hoạt động hiệu quả. Mỗi đợt cắt hẹ lá, một thành viên có thể thu từ 3 triệu đến 6 triệu đồng tùy vào diện tích trồng hẹ ít hay nhiều, đó là chưa tính thu nhập từ hẹ bông. Lúc hẹ bông có giá gần 40.000 đồng/kg thì thu nhập các thành viên trong tổ rất cao. Một công (1.300 m2) hẹ. cứ 3 ngày bẻ được gần 30 kg hẹ bông thì cũng cho thu nhập gần 1.200.000 đồng. Ngày như lúc này, khi hẹ bông chỉ còn 25.000 đồng/kg thì chị em vẫn có thu nhập đều đều. Hơn nữa, từ ngày vào tổ hợp tác các chị mua phân bón, mua hạt giống cùng nhau nên giá thành rẻ hơn. Giá bán hẹ lại ổn định cao nên thu nhập của các chị em được cải thiện nhiều”.

Diện tích đất để canh tác cây hẹ không cần rộng, chị em có thể tận dụng đất xung quanh nhà, đất ven lộ, ven bờ kênh… Chi phí ban đầu tuy có cao hơn so với một số rau màu khác nhưng thời gian thu hoạch kéo dài, hiệu quả kinh tế cũng khá cao nếu giá cả ổn định.

Các chị em đang thu hoạch bông hẹ

Chị Nguyễn Thị Đầy chia sẻ, chị tận dụng đất trống quanh nhà và đất cập lộ chừng 500m2 để trồng hẹ. Sau khi thu hoạch hẹ lá, 10 ngày sau chị thu hẹ bông. Mỗi đợt cắt hẹ lá cách nhau từ 35 đến 40 ngày. Hiện giá hẹ bông trên thị trường hơn 25.000 đồng/kg, hẹ lá thì từ 7.000-8.000 đồng/kg nên mỗi tháng chị đều có nguồn thu kha khá. 

Chị Nguyễn Thị Đang cũng cho biết: “Tham gia tổ hợp tác, tôi được hỗ trợ vốn ban đầu để làm đất và mua giống. Ngoài ra, tôi còn được tập huấn kỹ thuật trồng nên việc canh tác khá thuận lợi. Một công đất, cứ 35 đến 40 ngày là tôi có thu nhập từ 7- 8 triệu đồng. Tôi thấy mô hình này rất phù hợp cho gia đình tôi”.

Chính những hiệu quả đó, mà các chị em trong ấp đã mạnh dạn tham gia tổ hợp tác để phát triển mô hình trồng hẹ. Sản phẩm của chị em làm ra có người đến thu mua tận nơi. Từ mô hình này, nhiều chị em đã có cuộc sống ổn định, yên tâm với nghề mình lựa chọn.

Ngọc Oanh

Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu