Tuy nhiên, việc phát triển nhanh và tự phát đã để lại một hệ lụy đáng kể cho nghề nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh diễn ra triền miên và phức tạp. Việc xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả từ những đối tượng mới phù hợp và bền vững để thay thế là vấn đề cấp bách hiện nay.

Công tác khuyến nông chú trọng đến việc đa dạng hóa đối tượng nuôi và phù hợp với kinh tế hộ gia đình đã đưa nghề nuôi lươn thương phẩm hình thành và bước đầu phát triển khởi sắc. Tuy nhiên nguồn lươn giống trước đây phụ thuộc vào tự nhiên từ đó nghề nuôi thương phẩm phụ thuộc nghiêm trọng vào mùa vụ giống trong tự nhiên. Mặt khác cách đánh bắt lươn giống chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác lươn giống tận thu tận diệt, khai thác không gắn liền với công tác bảo vệ hay tái tạo, nên sản lượng lươn giống ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng, chất lượng không đảm bảo. Việc chủ động về số lượng, đảm bảo về số lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi lươn thương phẩm nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trong thời gian tới là vấn đề cấp bách hiện nay. Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tiến hành xây dựng mô hình trình diễn “Sản xuất giống lươn đồng” tại xã Tiên Thủy huyện Châu Thành và xã Tân Mỹ huyện Ba Tri với tổng quy mô là 400m2.

Mô hình cũng đề ra các mục tiêu cần đạt được cụ thể như sau: sản xuất được 20.000 lươn giống, cỡ 8-10 cm; tỷ lệ sống lươn bố mẹ: 80%; tỷ lệ sống lươn con: 40%; nông dân nắm được quy trình sản xuất.

Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lươn bố mẹ; 30% thức ăn (thức ăn cho lươn bố mẹ và thức ăn cho lươn con). Đồng thời trong quá trình thực hiện sẽ có cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình sản xuất giống lươn đồng, thường xuyên kiểm tra mô hình và kịp thời chỉ đạo kỹ thuật trong quá trình chăm sóc quản lý cho hộ dân để mô hình đạt được hiệu quả cao nhất.

Sau hơn 9 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả hết sức khả quan: tỷ lệ sống lươn bố mẹ trên 90%; tỷ lệ sống lươn con 60%-70%; số lượng lươn con 69.900con với kích cỡ 8cm-10cm, tỷ suất lợi nhuận của mô hình 39%. Người dân tiếp cận và nắm được quy trình sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề con giống trong quá trình nuôi lươn thương phẩm. Mặt khác, mô hình áp dụng quy trình không sử dụng hóa chất nên nguồn nước thải ít gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng công lao động nhàn rỗi đưa vào sản xuất và sinh lời, ổn định.

Để đạt được kết quả trên, các Sở ban ngành, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Nông dân thực hiện mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cần cù học hỏi, sáng tạo và vận hành phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tuy nhiên thị trường đầu ra chưa ổn định, các đơn đặt hàng còn nhỏ lẻ. Vì vậy trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có phương án, chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm hướng đến sản xuất hàng hóa có trách nhiệm tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp - lươn đồng Bến Tre. Có như vậy thì người dân mới an tâm sản xuất, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Võ Minh Thảo

Trung tâm Khuyến nông Bến Tre