Để thực hiện Nghị định 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của chính phủ về tổ chức và hoạt động của Tổ hợp tác. Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện, chính quyền địa phương và các đoàn thể của 4 xã Hương Mỹ, Tân Trung, An Định, An Thới vận động thành lập các tổ hợp tác dừa hữu cơ. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 07 tổ hợp tác có tổng diện tích dừa hữu cơ 105,84 ha, số thành viên là 154 hộ. Cụ thể thành lập được 01 tổ hợp tác tại các xã Hương Mỹ và Tân Trung với diện tích 9,7ha (14 hộ tham gia) và 29,9 ha (37 hộ tham gia), 3 tổ tại xã An Thới diện tích 42,84 ha (70 hộ), 2 tổ tại xã An Định diện tích 23,4ha (33 hộ tham gia). Các tổ đều đi vào hoạt động, hàng tháng đều có họp định kỳ và đề ra giải pháp kỹ thuật chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ, chính sách thu mua, thương thảo hợp đồng mua bán,…

Ngoài ra, một số thành viên trong tổ hợp tác còn được công ty dừa Lương Qưới chọn làm vườn dừa mẫu như vườn của hộ ông Bùi Văn Hải, ông Nguyễn Thanh Vũ, ông Nguyễn Văn Kiểng, chị Võ Hồng Châu xã An Định, ông Nguyễn Văn Tụ xã Tân Trung,… Theo ông Nguyễn Thanh Vũ, thành viên tổ hợp tác dừa hữu cơ xã An Định: “Năm 2016, công ty dừa Lương Qưới có hỗ trợ chất hữu cơ cho vườn dừa mẫu 5 tấn/ha và thu mua dừa với giá cao hơn giá thị trường 5.000 đồng/chục. Đồng thời công ty còn bao tiêu với giá sàn 50.000 đồng/chục”. Với hình thức liên kết doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như trên thì những người trồng dừa trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam như ông Vũ sẽ không còn lo lắng vấn đề đầu ra, nạn thượng lái ép giá như trước đây.

Nhìn chung qua quá trình thực hiện tổ hợp tác dừa hữu cơ tại huyện Mỏ Cày Nam đạt được những kết quả như trên là nhờ sự quan tâm, sự lãnh chỉ đạo của chính quyền địa phương, các đoàn thể và sự đồng tình của bà con nông dân.

Tuy nhiên, việc vận động cho các hộ tham gia tổ hợp tác còn gặp nhiều khó khăn và bất cập: một số hộ chưa mạnh dạn tham gia do e ngại sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chưa quen với kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, sợ chính sách thu mua không thỏa đáng, trong khi đó hoạt động các tổ còn chưa đồng đều.

Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã sẽ tổ chức tập huấn về kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, kỹ thuật nuôi trùn quế và kỹ thuật ủ phân hữu cơ cho tất cả các thành viên trong và ngoài tổ tham gia thực hiện.

Thiết nghĩ để các tổ hợp tác dừa hữu cơ có thể duy trì hoạt động, tiếp tục phát triển và nhân rộng trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam thì cần phải thực hiện tốt những nội dung sau:

Tổ trưởng, tổ phó các tổ hợp tác phải được tập huấn về kỹ năng quản lý và điều hành nhóm, tổ.

Khuyến nông phối hợp với địa phương và các đoàn thể tiếp tục vận động cho nông dân hiểu về lợi ích của tổ hợp tác để nông dân tự nguyện tham gia vào tổ.

Phòng Nông nghiệp và PTNT, trạm Khuyến nông và chính quyền địa phương thường xuyên tham dự các buổi họp định kỳ của các tổ hợp tác để kịp thời hỗ trợ giải quyết những nguyện vọng, khó khăn các thành viên.

Nguyễn Sĩ Liêm

Trạm Khuyến nông huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre