Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX NN Ân Tín (huyện Hoài Ân), cho biết: "Chúng tôi bắt đầu làm lúa áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ từ vụ Thu 2019, sử dụng các giống lúa chất lượng cao và kháng bệnh tốt như Đài thơm 8, BĐR17, ANS1. Với sự quan tâm hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân, sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN (Sở KH&CN) và Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ trong việc cung ứng giống cũng như quy trình sử dụng một số chế phẩm sinh học trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Quy mô diện tích cũng như năng suất lúa, chất lượng gạo hữu cơ ngày càng tăng nên đã củng cố thêm niềm tin cho bà con xã viên tiếp tục thực hiện trồng lúa hữu cơ cho các vụ tiếp theo. Quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ được HTX thực hiện đúng theo hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp như: không sử dụng hóa chất để diệt cỏ, diệt ốc bươu vàng và không dùng phân bón hóa học. Người trồng lúa chỉ sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh và phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc sinh học có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điểm đặc biệt của cánh đồng Soi Đập, thôn Vạn Hội 1 là cách biệt với các cánh đồng khác nên rất thuận lợi trong việc điều tiết nước, chăm sóc mà không bị ảnh hưởng bởi các ruộng lúa chăm sóc theo cách truyền thống (sử dụng phân bón thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ... có nguồn gốc hóa học). Để tránh nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm, HTX đã xây dựng được con mương dẫn nước độc lập chỉ phục vụ dẫn thủy vào cánh đồng sản xuất lúa hữu cơ. Trước khi cấy 15-20 ngày, chúng tôi tiến hành làm đất, bón 30 kg vôi bột/sào (500m2) để tiêu diệt một số loại sâu bệnh, đồng thời bón 300 kg/sào phân chuồng hoai. Ruộng lúa hữu cơ không áp dụng biện pháp sạ lan mà được cấy từ cây mạ đã được gieo trước đó (cấy mạ non khi được 2,5-3 lá thì được mang ra cấy với khoảng cách 20cm x 20cm, khoảng 25-30 khóm/m2. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện mô hình, được tham gia nhiều lớp tập huấn nên những nông dân chuyên sản xuất lúa hữu cơ của HTX đã rất thuần thục trong các công đoạn ủ phân, làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch... Người dân đã biết tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lá chuối, thân lá cây đậu phụng, phân bò… kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ phân hữu cơ. Việc chế tạo phân hữu cơ phục vụ sản xuất lúa đã giúp nông dân tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Anh Nguyễn Văn Xuân, một trong những nông dân trực tiếp tham gia thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cho biết: lâu nay bà con sản xuất lúa thông thường là sau khi sạ xuống là bơm thuốc cỏ, thuốc diệt ốc bươu vàng và trong quá trình chăm sóc cây lúa thì sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh có nguồn gốc hóa học rất độc hại. Ban đầu khi mới triển khai sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, cũng như tôi, nhiều hộ nông dân rất e dè, bởi có nhiều quy định nghiêm ngặt về sử dụng phân, thuốc và không biết hiệu quả ra sao. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình trồng và chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ và bắt tay vào thực hiện trên đồng ruộng cho thấy, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ cây lúa được bổ sung các loại phân hữu cơ, giúp cây lúa chắc khỏe. Khả năng chống chịu sâu bệnh của cây lúa tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, lúa sạch sâu bệnh, cây sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, cứng cây, bộ rễ nhiều bám sâu vào đất không bị đỗ ngã khi gặp mưa giông; đất đai được cải tạo tốt hơn, cây lúa phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo, nhiều loài cá, ốc, cua đồng đã xuất hiện trở lại trên ruộng lúa.

HTX NN Ân Tín đã đầu tư máy đóng bao, in bao bì sản phẩm và bước đầu đã đưa sản phẩm gạo hữu cơ của HTX ra thị trường của huyện Hoài Ân và TP. Quy Nhơn. Để chứng nhận chất lượng sản phẩm gạo hữu cơ, HTX đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận Chất lượng TQC trực thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, tiến hành kiểm nghiệm thành phần đất và nước tại ruộng sản xuất; kiểm nghiệm mẫu gạo thành phẩm, tất cả các chỉ tiêu đều đạt chuẩn và HXT NN Ân Tín đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia. Thành công bước đầu của mô hình đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng cho địa phương; trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình tiến tới HTX sẽ xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung cấp cho thị trường, Ông Bùi Long Xuân, cho biết thêm. 

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa hữu cơ tại HTX NN Ân Tín

 

Đánh giá về phương thức sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn hữu cơ, ông Nguyễn Văn Hòa - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoài Ân, cho rằng: Qua một thời gian sản xuất lúa hữu cơ, chúng tôi thấy đây là một phương thức sản xuất nông nghiệp ưu việt, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương. Việc sản xuất lúa hữu cơ có tác dụng giúp đất đai không bị thoái hóa mà còn được cải tạo tốt hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp cây lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và tạo ra sản phẩm gạo an toàn cho người sử dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường cho người dân, trong đó có nhiều nội dung về trồng lúa hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cho UBND huyện về hướng nhân rộng mô hình này kết hợp liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo sạch của địa phương.

Quả thật, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTXNN Ân Tín đã góp phần tác động tích cực từng bước thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của một bộ phận người dân, chuyển từ sản xuất sử dụng phân thuốc hóa học sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học có lợi cho môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hướng đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững./.

Đinh Văn Toại

Sở Nông nghiệp &PTNT Bình Định