Nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới; đồng thời giảm chi phí đầu tư của người dân trong sản xuất cây lúa, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp; vụ hè thu năm nay, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), áp dụng 5 giảm 3 tăng trong thâm canh cây lúa chất lượng. Qua kiểm tra, đánh giá bước đầu, mô hình đã đem lại kết quả tích cực, được người dân hưởng ứng.

Mô hình được triển khai thực hiện trên diện tích 02 ha tại cánh đồng Liên Yến, thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn – huyện Phù Cát, với 14 hộ nông dân tham gia và sử dụng giống lúa Q5.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% giống, vật tư, phân bón và được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất; áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật sản xuất lúa thâm canh; quản lý dinh dưỡng tổng hợp, kết hợp biện pháp canh tác tưới ướt khô xen kẽ giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại; giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên dùng đơn vị diện tích.

Các đại biểu tham quan mô hình tại cánh đồng Liên Yến

 

Trong quá trình sản xuất, nông dân đã tuân thủ theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật từ khâu làm đất, xuống giống đến đầu tư chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đó, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao hơn hẳn so với ruộng đối chứng. Cụ thể, ruộng mô hình đạt tỷ lệ hạt chắc/bông cao và tỷ lệ lem lép hạt thấp hơn so với ruộng đối chứng. Nhờ sạ thưa hợp lý nên giảm được lượng phân bón; điều tiết nước tưới theo phương pháp ướt khô xen kẽ nên cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, hạn chế nhánh vô hiệu, do vậy cũng giảm được các đối tượng sâu bệnh, từ đó giảm chi phí đầu tư nhưng năng suất lại tăng cao. Năng suất đạt 75 tạ/ha, cao hơn 9 tạ/ha so với ruộng đối chứng ngoài mô hình và đạt lợi nhuận hơn 19,3 triệu đồng/ha, tăng hơn 6,4 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng. Kết quả mô hình làm nông dân rất phấn khởi.

Ông Trần Văn Thái, ở thôn Đại Hữu, xã Cát Nhơn trực tiếp tham gia mô hình với diện tích 2,5 sào (1 sào = 500 m2) cho biết: “Thực tế tham gia thực hiện mô hình, tôi thấy chi phí giảm hơn nhiều so với cách làm của nông dân chúng tôi trước đây vì giống, phân bón và thuốc BVTV đều giảm. Từ ngày sạ đến nay, tôi chỉ phun một lần thuốc cỏ nhưng lúa rất tốt và đạt năng suất cao”.

Không những nâng cao năng suất cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà mô hình sản xuất áp dụng 5 giảm 3 còn tạo ra nông sản sạch, hạn chế tồn dư thuốc BVTV, bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, thông qua mô hình bước đầu đã nâng cao nhận thức cho bà con nông dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng tăng năng suất và lợi nhuận cho gia đình, tạo sự gắn kết giữa khoa học và thực tiễn.

Được biết, vụ hè thu năm nay, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện còn triển khai thực hiện một mô tại xã Cát Thắng cũng với quy mô 02 ha, sản xuất giống Ômôn 7347. Cây lúa trong mô hình cũng sinh trưởng, phát triển rất tốt, mang lại hiệu quả cao. Hiện, lúa trong mô hình đang giai đoạn trỗ đều, chắc chín.

Kỹ sư Nguyễn Hoàng Nam – Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Từ thành công của mô hình này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở những  địa phương khác trong các vụ tiếp theo, nhất là những vùng hạn chế nước tưới nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân; đồng thời, tạo ra nông sản sạch, hạn chế ô nhiễm môi trường  bảo vệ sức khỏe con người”./.                      

Trường Giang

Trung tâm VH - TT - TT  huyện Phù Cát - Bình Định