Bà con sản xuất nấm rơm theo cách truyền thống là trồng ngoài trời và chủ yếu sử dụng rơm bó được thu hoạch thủ công làm nguyên liệu. Tuy nhiên hiện nay, việc thu hoạch lúa thủ công gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nhân công lao động, vì vậy giá rơm bó cao, có lúc lên đến 500.000 đồng/sào làm tăng chi phí trồng nấm.

Trước tình hình trên, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã Phước Sơn, HTX Phước Sơn I thực hiện mô hình “Sản xuất nấm rơm từ rơm cuộn” làm trong nhà theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ, mở rộng quy mô sản xuất cho nữ nông dân tại địa phương, bước đầu hình thành vùng sản xuất nấm.

Mô hình thực hiện với diện tích 50 m2 sàn; 200 cuộn rơm (khoảng 2200 kg rơm khô) tại HTX Phước Sơn I, có 20 hộ dân tham gia. Giống nấm rơm V115 được Trung tâm ứng dụng KHKT Bình Định cung ứng. Ngày xuống giống là 16/5/2017. Mô hình được tổ chức phát triển SNV tại Việt Nam tài trợ 100% kinh phí.

Ngày 5 tháng 6 năm 2017 tại HTX Phước Sơn I, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Hội Phụ nữ xã Phước Sơn, HTX Phước Sơn I tổ chức hội thảo tổng kết đánh giá kết quả mô hình. Kết quả thu hoạch nấm đợt 1 cho thấy, năng suất đạt 220 kg nấm tươi/200 cuộn, thu nhập 17,6 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/200 cuộn rơm.

Mô hình trồng nấm rơm trong nhà tại HTX Phước Sơn I

Tuy hiệu quả kinh tế chỉ tương đương với trồng nấm bằng rơm bó ngoài trời nhưng mô hình trồng nấm rơm trong nhà đã khắc phục những hạn chế của việc trồng nấm ngoài trời, đặc biệt trong điều kiện nắng nóng hiện nay tại Bình Định. Trồng nấm rơm trong nhà, nông dân tiết kiệm được công chăm sóc, không tốn lượng rơm làm áo phủ, có thể tái sản xuất nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích, chủ động về thời gian, chủ động điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ, do đó nông dân yên tâm sản xuất nấm quanh năm.

Mô hình trồng nấm rơm sử dụng nguyên liệu rơm cuộn góp phần thay đổi tư duy, tập quán chỉ sử dụng rơm bó trong sản xuất nấm cho nông dân địa phương, thúc đẩy nông dân tăng cường sử dụng rơm cuộn để sản xuất nấm nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp ở các vùng trồng lúa tập trung.

Nguyễn Cường

Trung tâm Khuyến nông Bình Định