Sau 03 tháng thực hiện, mô hình đã thu được kết quả tốt. Thời gian sinh trưởng của giống lúa ĐV108 trong vụ hè thu 2016 tại Hoài Sơn khoảng 87 ngày. Do áp dụng kỹ thuật gieo sạ thưa và được đầu tư thâm canh, kết hợp tưới nước ướt khô xen kẽ (tiết kiệm từ 20 – 30% lượng nước tưới) tạo điều kiện giúp cây lúa khỏe nên ruộng lúa trong mô hình sinh trưởng tốt: chiều cao cây lúa trong ruộng mô hình (100 cm), cao hơn ngoài mô hình 10 cm; khả năng đẻ nhánh khá (trong mô hình lúa đẻ nhánh từ 3 – 4 nhánh, ruộng ngoài mô hình đạt 2 – 3 nhánh); chiều dài bông đạt 23 cm, dài hơn ruộng ngoài mô hình 2 cm. Ngoài ra cây lúa trong ruộng mô hình chống đỗ ngã khá và ít nhiễm một số loại sâu bệnh chính như: bệnh khô vằn, đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy...

Số bông/m2 trong ruộng mô hình đạt 320 bông, thấp hơn so ruộng ngoài mô hình 20 bông (do sạ thưa), tuy nhiên số hạt/bông của ruộng mô hình (đạt 135 hạt) cao hơn ruộng ngoài mô hình 15 hạt và tỉ lệ lép (11%) thấp hơn ruộng ngoài mô hình  4%. Vì vậy, năng suất thực thu đạt 66,2 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình 6,3 tạ/ha (ngoài mô hình đạt 59,9 tạ/ha), lợi nhuận đạt 320.000 đồng/sào, tăng 219.500 đồng/sào so ruộng ngoài mô hình (1 sào = 500m2).

Bên cạnh đó, mô hình đã đem lại hiệu quả cao về tiết kiệm nước từ 20 – 30% lượng nước tưới, giảm vốn đầu tư, giảm tác hại môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất 10,5%, lợi nhuận tăng cao hơn so ruộng đối chứng, đồng thời  góp phần nâng cao chất lượng hạt gạo, nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Sự thành công của mô hình đã tạo được điểm đến cho nông dân ở các vùng lân cận tham quan, học tập, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng trong thời gian đến.

Hội thảo đánh giá kết quả mô hình

Được biết, từ năm 2012 – 2015, Sở NN&PTNT Bình Định đã chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan triển khai mô hình và nhân rộng ở qui mô nhỏ kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) gắn với quản lý tưới nước tiết kiệm. Mô hình đã đem lại hiệu quả cao về tiết kiệm từ 14 – 40% lượng nước tưới tại mặt ruộng; giảm vốn đầu tư (nhờ giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV); giảm tác hại ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất 6 – 11%, tăng lợi nhuận 35% so phương pháp canh tác truyền thống. Mô hình là một giải pháp góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Bích Thủy

Trung tâm Khuyến nông Bình Định