Mặc dù có nhiều thăng trầm do giá kén có thời điểm xuống thấp nhưng bà con nông dân ở đây vẫn giữ nghề truyền thống. Gần đây, Ngành Nông nghiệp huyện An Lão và chính quyền xã An Hòa tiếp tục hỗ trợ người trồng dâu nuôi tằm ở đây tăng hiệu quả kinh tế bằng việc du nhập, chuyển giao các giống dâu và tằm mới.

Giống dâu mới S7-CB được sản xuất tại các thôn Vạn Khánh, Vạn Xuân, Vạn Long, Trà Công… của xã An Hòa (huyện An Lão), vào thời điểm này mặc dù thời tiết nắng hạn gay gắt nhưng những cánh đồng dâu vẫn xanh tươi tốt, cho lá sum suê. Đây là năm thứ 2 bà con nông dân trồng dâu nuôi tằm ở đây trồng giống dâu mới S7-CB được du nhập từ thủ phủ dâu tằm tơ TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện An Lão và UBND xã An Hòa thực hiện trong khuôn khổ Đề án “Khôi phục và mở rộng diện tích trồng dâu chuyên canh” gắn với Đề án “Thành lập Hợp tác xã (HTX) dâu tằm tơ tại xã An Hòa trong thời gian tới”. Sau khi tổ chức cho một số cán bộ và bà con nông dân tham quan học tập tại vùng trồng dâu nuôi tằm Bảo Lộc, huyện đã mua hơn 1 tấn hom dâu giống về cung cấp cho bà con nông dân trồng thử nghiệm vào cuối mùa mưa năm 2018. Chỉ sau 5 tháng trồng bằng hom thay cho phương pháp trồng bằng hạt như trước đây của các giống dâu truyền thống, giống S7-CB đã cho năng suất và sản lượng cao gấp đôi so với giống Quế Ưu mà bà con trồng lâu nay.

Giống dâu mới S7-CB sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện nắng hạn

Nông dân Phạm Văn Cho, xóm 2, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết: “Cách đây vài năm về trước, đa phần người dân ở đây trồng dâu bản địa và một số giống dâu nhập nội từ Trung Quốc nhưng gần đây thời tiết khắc nghiệt, hạn hán vào mùa khô và lũ lụt úng ngập vào mùa mưa nên các giống này bị chết nhiều. Từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi chuyển sang trồng giống dâu mới S7-CB. Riêng gia đình tôi trồng gần 1 hecta. Cứ mỗi sào (500m2) dâu cho thu hoạch khoảng 2 tạ lá trong một lứa nuôi 20 ngày, tương đương 40 tấn lá/ha/năm. Không những cho sản lượng cao, giống dâu mới này còn có nhiều ưu điểm như chịu hạn tốt, phiến lá dày, xanh tươi lâu sau khi hái, ít sâu bệnh và dễ hái hơn do cuốn lá giòn (nếu như trước đây mỗi người hái chỉ 1-2 bao lá thì nay hái được 3-4 bao lá mỗi ngày). Tằm ăn đạt hiệu quả hơn nên khoảng 17-20 ngày đã cho thu hoạch một lứa kén (trước đây gần 1 tháng mới cho thu hoạch một lứa kén)”.

Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa hoặc một số cây trồng cạn khác nên nhiều người dân ở đây vẫn giữ nghề mặc dù có những lúc giá kén xuống thấp.

Chị Phan Thị Thanh Tâm ở xóm 2, thôn Vạn Khánh, xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết: “Cứ mỗi lứa tằm cho kén khoảng 17-20 ngày, mỗi sào (500m2) dâu có thể đủ cho tằm ăn và cho thu hoạch ít nhất nửa hộp kén tằm, thu nhập khoảng trên 2,5 triệu đồng; mỗi năm cho thu hoạch khoảng 6 – 10 lứa tùy điều kiện chăm sóc và thời tiết”.

Ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện An Lão), cho biết, địa phương đã xác định và đưa vào quy hoạch cây dâu tằm là một trong những cây trồng chủ lực để bà con sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình. UBND xã đã chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn bà con nông dân ngoài trồng giống dâu mới còn du nhập giống tằm mới theo phương thức nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện đã có nhiều bà con nông dân mua tằm con về nuôi thay cho phương thức ấp nở từ trứng như trước đây, nhờ đó giảm được tỷ lệ hao hụt do trứng hư không nở và rút ngắn thu hoạch của mỗi lứa nuôi. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí về giống, kỹ thuật, đồng thời kêu gọi đầu tư mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm tập trung chuyên canh, tiến tới hình thành HTX trồng dâu nuôi tằm tại địa phương.

Đinh Văn Toại

Sở NN &PTNT Bình Định