Nhằm tận dụng tiềm năng dồi dào của nguồn nước hồ chứa thủy lợi, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Phù Cát thực hiện mô hình: “Hỗ trợ phát triển nâng cao chất lượng cá điêu hồng nuôi trong hồ chứa theo liên kết sản xuất chuỗi tiêu thụ” tại các hộ nuôi cá điêu hồng trên hồ Mỹ Thuận.

Nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng trên hồ chứa thủy lợi đã có từ trước tuy nhiên chủ yếu là nuôi tự phát, giá cá thương phẩm bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá nên người nuôi loay hoay chưa tìm ra hướng đi để mở rộng sản xuất. Mô hình triển khai sẽ giúp người nuôi an tâm hơn về đầu ra sản phẩm với giá cả hợp lý. Các hộ dân tham gia mô hình sẽ được doanh nghiệp Quyết Hoa cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm đầu ra dựa trên cơ chế phối hợp đã được đề ra dưới sự thống nhất cao của các bên tham gia.

Mô hình có sự tham gia của 2 hộ dân với tổng diện tích 120 m3 qua hai giai đoạn ương và nuôi thương phẩm. Được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí giống và thức ăn, các hộ nuôi đã thả ương 16.000 con giống cá điêu hồng (kích cỡ 5 gam/con). Sau 1 tháng ương cá đạt trọng lượng 20 gam/con, hộ nuôi chuyển sang lồng nuôi thương phẩm với mật độ 95 con/m3. Trong quá trình thực hiện mô hình, hộ dân luôn tuân thủ theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về vệ sinh lồng nuôi, quản lý thức ăn dư thừa, thường xuyên theo dõi tốc độ phát triển của cá về kích cỡ và trọng lượng. khi cá phân đàn, các hộ tiến hành tách đàn, sang lồng nuôi theo cùng kích cỡ giúp cá phát triển đồng đều hơn.

Sau 6 tháng triển khai, cá sinh trưởng phát triển nhanh, đạt trọng lượng 500 gam/con, năng suất ước đạt 48,5 kg/m3. Cá thương phẩm được doanh nghiệp Quyết Hoa thu mua với giá 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nuôi ước lãi gần 70 triệu đồng.

Hệ thống lồng nuôi cá điêu hồng trên hồ Mỹ Thuận

Tại buổi hội thảo tổng kết mô hình, hầu hết các hộ dân tham gia đều đánh giá cao kết quả mô hình đem lại. Đặc biệt những lo lắng trước đây đã được giải quyết triệt để thông qua việc liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ, sản phẩm được doanh nghiệp thu mua với giá cả hợp lý. Đó là cơ sở để các hộ nuôi mạnh dạn đầu tư sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Trần Văn Minh, phó Chủ tịch xã Cát Hưng, với lợi thế về điều kiện vùng nuôi, cùng sự liên kết sản xuất chuỗi tiêu thụ với doanh nghiệp thì đây là một mô hình cần được duy trì và nhân rộng trên hồ Mỹ Thuận nói riêng và các hồ chứa khác trong tỉnh nói chung. Điều quan trọng nhất là duy trì đầu ra ổn định sẽ giúp người nuôi yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định