Đặc biệt, trong cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Nông nghiệp của huyện đã và đang tiếp cận nền nông nghiệp hàng hoá, nông nghiệp sinh thái, áp dụng và hoàn thiện các khâu cơ giới trong sản xuất. Bên cạnh đó, tư duy sản xuất của nông dân đã có những chuyển biến tích cực, từ việc tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật đến chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa. Điển hình như: mô hình chuyển đổi cây trồng cạn có hiệu quả ở xã Cát Tài, Cát Hanh; mô hình nuôi bò lai sinh sản ở xã Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Hải; mô hình nuôi heo đệm lót sinh học ở xã Cát Tân, Cát Minh; mô hình trồng tiêu ở xã Cát Trinh; mô hình làm bún bánh ở Cát Hanh; mô hình trồng hoa ở Cát Hưng, Thị trấn Ngô Mây…

Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, huyện Phù Cát 

Trong chăn nuôi, đến nay huyện đã giảm chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ, chăn nuôi trang trại, gia trại ngày càng tăng. Việc ứng dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật được người dân quan tâm áp dụng, chất lượng đàn gia súc, gia cầm không ngừng được cải thiện; tỷ lệ bò lai đạt trên 94,4%, nạc hóa đàn heo 98%. Công tác quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá khách quan cho thấy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là diện tích cấy lúa vẫn lớn, trong khi diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao còn hạn chế; mặc dù đã hình thành vùng sản xuất tập trung, tuy nhiên quy mô và chất lượng chưa bền vững. Số lượng mô hình ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Nhất là trong quá trình bảo quản, chế biến nông sản, làm ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm. Đặc biệt là việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp vẫn là bài toán khó đối với hầu hết các địa phương. Người nông dân vẫn phải đối mặt với tình trạng “Mất mùa được giá - được mùa rớt giá”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do giá cả vật tư tăng cao, thị trường biến động, nhiều rủi ro, đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn nên chưa khuyến khích nông dân mạnh dạn sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó, cơ chế chính sách chậm đổi mới, kinh phí hỗ trợ nông nghiệp nông thôn, trong đó có kinh phí đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp còn thấp. Việc tiếp cận nguồn vốn còn gặp nhiều khó khăn cũng là rào cản khiến nhiều nông dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp Phù Cát theo hướng nông nghiệp sinh thái, với sản phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm; Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đặc trưng của huyện; Tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị trong nông nghiệp; Huyện đã đề ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, đồng bộ từng bước hiện đại hóa; Giảm dần diện tích sản xuất lúa, đến năm 2020 ổn định còn 16.000 ha gieo trồng, mở rộng vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên 600 ha, sản xuất 2 vụ/năm ở các xã: Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng; Khuyến khích mở rộng và phát triển các vùng trồng bắp lai gần 1.200 ha, đậu phụng 4.400 ha, cây hành 450 ha, cây ớt 550 ha, dưa hấu 600 ha, cây kiệu 150 ha, tập trung ở các xã Cát Tài, Cát Hanh, Cát Lâm, Cát Tường, Cát Trinh, Cát Sơn, Cát Hiệp, Cát Hải…; Tăng quy mô đàn bò đạt 60.000 con, tỷ lệ bò lai đạt trên 96%; Phát triển đàn lợn theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học; Chăn nuôi gia cầm theo hướng tập trung quy mô lớn, đầu tư thâm canh, phấn đấu tổng đàn đạt 1,5 triệu con/năm; Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 820ha.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn với quảng bá, duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển mô hình kinh tế hợp tác 5 nhà trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho các vùng chuyên canh tập trung. Tạo cơ chế ưu đãi về lãi suất, thuê đất, chính sách thuế để thu hút các doanh nghiệp, công ty... đầu tư vào địa bàn huyện. Trong đó, áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cho một số trang trại nông hộ lớn để phát triển nhanh đàn heo ngoại, cung cấp nhiều con giống chất lượng đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

“Để phát triển nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường. Trong thời gian tới, huyện Phù Cát đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất. Đặc biệt nhất là làm tốt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các khâu, nhất là vấn đề sử dụng các loại hóa chất, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và chất cấm trong chăn nuôi; nhằm mục đích sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Lương Văn Khoa - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát chia sẻ.

Đồng thời, các địa phương quan tâm hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định. Phát triển hạ tầng phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, củng cố, hoàn thiện HTX theo Luật 2012. Đào tạo cán bộ quản lý, tạo điều kiện cho các HTX mở rộng dịch vụ, nhất là các hoạt động chuyển giao tiến bộ KHKT, vốn, dịch vụ chế biến, liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Kiện toàn đội ngũ cán bộ nông nghiệp các xã, thôn nhằm nâng cao năng lực của cán bộ, phát huy hiệu lực của bộ máy chính quyền các cấp. Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật để có đủ trình độ đảm đương nhiệm vụ tại cơ sở. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kêu gọi các Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đưa nền nông nghiệp huyện Phù Cát ngày một phát triển bền vững và đạt hiệu quả kinh tế cao hơn./.

Thế Hà