Giống nếp ngự có thời gian sinh trưởng 115 ngày, lá to, hạt to bầu tròn, chịu rét khá, chịu phèn trung bình, giống thích hợp với chân đất tại địa phương. Năng suất lúa nếp ngự đạt 48 tạ/ha, thấp hơn 16 tạ/ha so với ruộng đối chứng lúa ĐV108. Tuy nhiên đây là giống chất lượng cao thuộc vào loại quý hiếm nên giá thành đạt mức cao 12.000 đồng/kg nên lợi nhuận kinh tế cao hơn nhiều so với lúa đối chứng ĐV108.

Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Sachi Nguyễn thu mua sản phẩm với giá thị trường nên hầu hết các hộ tham gia đều an tâm sản xuất.

Bà con nông dân và đại biểu tham quan mô hình trồng lúa nếp ngự tại xã Hoài Sơn

 

Ông Trần Văn Trường - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Nhơn cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, cùng với việc tiếp tục thu hút doanh nghiệp, huyện Hoài Nhơn nói chung và xã Hoài Sơn nói riêng sẽ có định hướng đến việc quy hoạch khoanh vùng quỹ đất, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho lao động nông nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư sản xuất. Bên cạnh đó, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các vùng sản xuất nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất.

Từ kết quả trên, các đại biểu tham dự Hội nghị đều cho rằng, khả năng nhân rộng mô hình lúa nếp ngự tại xã Hoài Sơn là rất khả thi. Mô hình đã giúp người dân tiếp cận với tiến bộ KHKT mới, bước đầu xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ lúa nếp ngự bền vững. Qua đó giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến tới xây dựng thương hiệu giống nếp ngự cho xã Hoài Sơn.

Minh Tiến

 Trung tâm Khuyến nông Bình Định