Mô hình từ nguồn kinh phí của Dự án Phục hồi và Quản lý bền vững Rừng phòng hộ tỉnh Bình Định (Dự án JICA2) nhằm nâng cao năng suất lúa, góp phần đảm bảo nguồn lương thực trong gia đình, ổn định sản xuất, giảm dần việc khai thác, hủy hoại rừng phòng hộ. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân sinh sống trong vùng Dự án về quản lý, bảo vệ bền vững rừng phòng hộ tại địa phương.

Mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống lúa lai TH3-3, Dự án JICA2 hỗ trợ 100% vật tư phân bón, hỗ trợ kinh phí tập huấn kỹ thuật và có sự theo dõi, giám sát, kiểm tra hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Các đại biểu thăm mô hình 

Vụ đông xuân 2016 - 2017 thời tiết diễn biến bất thường đã ảnh hưởng đáng kể đến tình hình sản xuất của bà con. Đợt mưa lũ ngày 16-18/12/2016 gây ngập úng, trôi dạt, bồi lấp mất giống, phải gieo sạ nhiều lần. Các đối tượng dịch hại như sâu cuốn lá nhỏ, sâu phao, muỗi năn, rầy nâu, chuột phát sinh gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đòng trỗ. Tuy nhiên, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định, Trung tâm Khuyến nông, BQL Dự án JICA2, UBND huyện Tây Sơn và UBND xã Vĩnh An trong suốt quá trình triển khai thực hiện cùng sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương, nông dân từ khi tham vấn, khảo sát đến thực hiện mô hình nên mô hình vẫn đạt kết quả khả quan.

Thời gian sinh trưởng giống lúa lai TH3-3 trong mô hình trong điều kiện ở xã Vĩnh An có thời gian sinh trưởng 100 ngày, các đặc điểm khác thể hiện đặc trưng cơ bản của giống như: cứng cây, xanh đậm, chiều cao cây 93 cm, chiều dài bông 29 cm. Qua theo dõi cho thấy số bông/m2: trong mô hình 357 bông/m2, cao hơn ngoài mô hình 4 bông/m2, hạt chắc/bông trong mô hình trung bình 94,3 hạt, cao hơn ngoài mô hình trung bình 10 hạt/bông. Mặt khác, tỷ lệ lép lúa lai TH3-3 trong mô hình là 21%, trong khi đó, lúa TH3-3 ngoài mô hình tỷ lệ lép cao hơn là 26%. Điều này có thể lý giải nguyên nhân chính do quá trình đầu tư chăm sóc (phân bón, thuốc BVTV, nước tưới,…). Năng suất ước thực thu lúa lai TH3-3 trong mô hình ước đạt 64 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 7 tạ/ha. Nguyên nhân là ruộng mô hình có đầu tư thâm canh.

Qua hoạch toán tổng chi phí trong mô hình 29.736.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình là 2.977.000 đồng/ha. Tổng thu trong mô hình là 38.500.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình là  4.400.000 đồng/ha. Lợi nhuận trong mô hình là 8.764.000 đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình là 1.423.000 đồng/ha. Qua đó đã góp phần ổn định nguồn lương thực trong gia đình, ổn định sản xuất, góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu việc khai thác tài nguyên rừng phòng hộ của người dân địa phương.

Mô hình thâm canh lúa lai tại xã Vĩnh An bước đầu phù hợp với tình hình sản xuất của người dân tại địa phương. Việc thực hiện mô hình đã giúp bà con nông dân tiếp thu được một số kỹ năng sản xuất, biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa lai, từ đó thay đổi nhận thức của bà con nông dân.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định