Mô hình thực hiện nhằm hướng đến sản xuất dừa hữu cơ, đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái đối với cây trồng. Bên cạnh đó đẩy mạnh phát triển hoàn thiện chuỗi giá trị của ngành dừa, góp phần giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và có những giải pháp thiết thực nhân rộng vùng nguyên liệu dừa sạch.

Mô hình được thực hiện theo các tiêu chuẩn xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ bao gồm: không sử dụng phân hóa học, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học thay vào đó, nguồn dinh dưỡng cho vườn dừa được sử dụng từ các loại phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh.

Theo ông Bùi Duy Khánh - nông dân tham gia mô hình cho biết: Trước đây, gia đình ông trồng dừa theo phương pháp truyền thống, không áp dụng khoa học kỹ thuật trong canh tác. Do sử dụng phân hóa học suốt thời gian dài nên đất bị bạc màu, vườn dừa kém phát triển, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi tham gia mô hình, gia đình ông được các cán bộ kỹ thuật chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dừa theo quy trình hữu cơ chuẩn. Bên cạnh đó, giá cả đầu ra luôn ổn định, cao hơn giá thị trường được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ngọc An thu mua bao tiêu sản phẩm. Đây chính là điều kiện để người dân yên tâm canh tác, gắn bó lâu dài với cây dừa.

Ông Lê Văn Nam – một chủ hộ tham gia mô hình chia sẻ thêm: “Tham gia trồng dừa hữu cơ, tôi thấy đất đai màu mỡ hơn, cây dừa xanh tươi tốt hơn, kết quả rất cao. Trồng dừa sử dụng phân hữu cơ như thế này sẽ không ảnh hưởng đến môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sức khỏe riêng bản thân mình. Tôi thấy tham gia trồng dừa hữu cơ rất có lợi cho người nông dân”.

Trồng dừa hữu cơ: cây dừa xanh tươi, hiệu quả cao hơn

Ông Đỗ Đình Hồng - Chủ tịch Hội nông dân xã Hoài Thanh Tây cho biết: Phương hướng của địa phương là triển khai trồng dừa hữu cơ. Lợi thế của Hoài Thanh Tây là người nông dân đã canh tác dừa sẵn từ lâu nay, nhiều hộ ở địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng dừa theo phương pháp hữu cơ cũng đã được HTX Nông nghiệp Ngọc An ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để sản xuất dầu dừa, cho thu nhập ổn định. Đây chính là tiền đề để HTX Nông nghiệp Ngọc An xây dựng thương hiệu dầu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bình Định, nâng cao chất lượng dầu dừa và sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2018 Bình Định có diện tích trồng dừa là 9.332.6 ha đứng thứ ba của cả nước sau Bến Tre và Trà Vinh. Trong đó huyện Hoài Nhơn có diện tích dừa tập trung lớn nhất chiếm 31.8% trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, trước đây, việc áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc vườn dừa chưa được người dân nông thôn quan tâm. Bên cạnh đó, việc sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không thành lập tổ, nhóm hợp tác, cũng như chưa thực hiện ký hợp đồng dài hạn bao tiêu sản phẩm, dẫn đến tình trạng giá cả luôn bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá, nhiều lúc giá dừa xuống rất thấp. Đây là những nguyên nhân làm cho đời sống những hộ trồng dừa gặp không ít khó khăn, đã có nhiều hộ chuyển đổi sang những loại cây trồng khác mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Trước tình hình đó chính quyền địa phương, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân hiểu lợi ích của phương thức sản xuất hữu cơ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật để bà con thực hiện, địa phương đã tích cực vận động nhân dân tham gia tổ, nhóm hợp tác, thay đổi giống, tỉa thưa vườn dừa, kết hợp trồng xen, nuôi xen, nâng cao năng suất để giữ diện tích vườn dừa, đồng thời hợp đồng với HTX Nông nghiệp Ngọc An bao tiêu sản phẩm nên bà con an tâm tiếp tục chăm sóc.

Có thể nói, mô hình trồng dừa hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả thiết thực, vì đã hướng người dân nông thôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Minh Tiến

Trung tâm Khuyến nông Bình Định