Nông dân Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh khác trong vùng ĐBSCL có truyền thống trồng ớt lâu đời nhưng chưa phát triển rộng, chưa áp dụng công nghệ nên diện tích không lớn, chủ yếu manh mún xen kẽ với ruộng lúa và cây trồng khác, đầu ra cũng chưa ổn định nhưng nếu được giá thì lợi nhuận trồng ớt cao hơn lúa rất nhiều lần. Tuy nhiên để thích ứng với tình hình thời tiết cực đoan, nhiều nông dân ở Cần Thơ đã mạnh dạn chuyển đổi và đầu tư vào mô hình trồng ớt.

Bốn năm gần đây, anh Đoàn Phi Vũ ở ấp Qui Lân 6, xã Thạnh Qưới, huyện Vĩnh Thạnh, Tp. Cần Thơ đã thuê 3 công đất lúa (mỗi công 1.300 mét vuông) và chuyển sang trồng ớt. Anh phải lên líp, đào kênh, lắp máy bơm nước và sử dụng công nghệ tưới áp lực với dàn phun cải tiến có thể lắp vòi phun vài chục mét theo địa thế của ruộng. Máy bơm và vòi phun đặt trên xuồng và đi dọc theo kênh tưới nước, mỗi lần bón phân hay phun thuốc chỉ việc chuyển dung dịch xuống xuồng và đi dọc hoặc xung quanh ruộng để phun, cách phun này tiện lợi cho năng suất cao và không ảnh hưởng sức khoẻ con người.

Anh Vũ sử dụng giống ớt Trần Phong 131. Về chi phí, anh Vũ cho biết, chi phí cải tạo đồng ruộng, đầu tư máy bơm, phân bón và thuốc BVTV là 22 triệu/công. Tuy nhiên chỉ khoảng 12-14 tháng, ruộng ớt đã thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 45 ngày. Mỗi đợt thu hái kéo dài từ 1 tháng đến 1,5 tháng nếu chăm sóc tốt có thể thu tới 3,5 tấn/công. Do giá bán phụ thuộc thị trường, có thời điểm 7 – 8 nghìn đồng/kg, nhưng cũng có thời điểm như năm 2017 lên 45 nghìn đồng/kg. Nhìn chung cứ tính giá trung bình thì lợi nhuận cho một công ớt khoảng 25-28 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Để thu hoạch ớt cứ 3 ngày anh phải thuê mướn công thu hái bằng tay. Đây là khâu tốn chi phí và chưa cơ giới hoá được. Mỗi ngày mỗi người có thể hái được 65-70 kg với giá 3,5 nghìn đồng/kg. Theo nông dân, công việc này cũng nhẹ nhàng hơn làm lúa nhiều.

Thu hoạch ớt

Theo anh Vũ, chuyển đổi sang trồng ớt có lợi nhuận cao nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất là đầu tư ban đầu để cải tạo đồng ruộng và mua sắm lắp đặt thiết bị; Thứ hai, ớt hay bị bệnh thán thư nên tốn thuốc phòng ngừa; Thứ ba, sản phẩm làm ra chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu vẫn bán cho thương lái thu mua theo giá thị trường nên không chủ động được. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ sở thu mua, chế biến và tiêu thụ, nếu tổ chức và sản xuất có kế hoạch, qui hoạch và bao tiêu sản phẩm chắc chắn sẽ giúp người nông dân ĐBSCL chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả trong thời điểm biến đổi khí hậu.

Vũ Tiết Sơn