Diễn đàn thu hút sự tham gia của 230 đại biểu đến từ 08 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long: TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Toàn cảnh Diễn đàn

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có diện tích sản xuất lúa lớn nhất với trên 427 nghìn ha, chiếm gần 74% diện tích cánh đồng lớn của cả nước, trong đó cánh đồng lớn kiên kết sản xuất lúa khoảng 380 nghìn ha, chiếm khoảng 9% diện tích gieo trồng lúa vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Cục kinh tế Hợp tác đến hết tháng 3/2019, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.800 Hợp tác xã (HTX), chiếm khoảng 11,4% tổng số HTX của cả nước; trong đó có 1.143 HTX trồng trọt (đa số là HTX trồng lúa). ĐBSCL là một trong 3 vùng có số lượng các HTX nông nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước, tăng 552 HTX trong 2 năm từ 2016-2018. Năm 2016, bình quân một HTX nông nghiệp ở ĐBSCL có 77 thành viên, hết năm 2018 là 130 thành viên/HTX; Quy mô diện tích HTX tăng từ 160 ha lên 324 ha/HTX, tăng gần gấp 2 lần. Liên kết sản xuất lúa ở ĐBSCL đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Có nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả; HTX tham gia vào nhiều hình thức liên kết khác nhau với doanh nghiệp; HTX giúp đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững; Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa HTX với doanh nghiệp giúp đem lại nhiều lợi ích cho các bên tham gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là: Quy mô liên kết còn rất hạn chế, tỷ lệ bao tiêu sản phẩm qua hợp đồng thấp; Liên kết còn lỏng lẻo, tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp; Mức độ tham gia chuỗi liên kết của HTX nông nghiệp còn rất hạn chế, người nông dân chịu nhiều thua thiệt và rủi ro.

Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Theo ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác của Cục Kinh tế Hợp tác, để hạn chế rủi ro, thiệt hại khi nông dân tham gia liên kết sản xuất thì người nông dân phải chủ động thỏa thuận các điều khoản chặt chẽ có lợi cho mình trong hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, việc liên kết này phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường lúa gạo thế giới.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nêu vấn đề quan ngại nhất doanh nghiệp gặp phải trong chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân là hạn chế về vốn, thủ tục vay vốn còn nhiều khó khăn.

Thảo luận tại diễn đàn, ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc trời cho rằng việc hợp tác nông dân và doanh nghiệp bền vững phải dựa trên cơ sở mối liên kết hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp. Nông dân tham gia liên kết với Tập đoàn Lộc Trời, sẽ được công ty cấp trước giống lúa có xác nhận, phân và thuốc không tính phí lãi suất ngân hàng; chuyển giao kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp nông dân làm đúng quy trình; thu mua nông phẩm qua 2 hình thức: theo giá cố định từ đầu vụ và thương thảo giá từ 7-10 ngày trước thu hoạch. Nếu không thương thảo được giá vụ này thì nông dân có thể bán doanh nghiệp khác, vụ sau vẫn tiếp tục thương thảo, luôn coi nông dân là đối tác quan trọng của doanh nghiệp.

Phần thảo luận của diễn đàn, Ban tổ chức đã nhận được 22 câu hỏi trực tiếp và qua phiếu của bà con nông dân. Các câu hỏi đã được các chuyên gia, cố vấn giải đáp thỏa đáng với các nội dung tập trung chủ yếu các vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, chính sách hình thành, phát triển hợp tác xã, cách thức liên kết, khó khăn trong liên kết, cách giải quyết mâu thuẫn trong liên kết, lợi ích của nông dân, doanh nghiệp trong liên kết, vai trò quản lý của cơ quan nhà nước trong mối liên kết sản xuất lúa….

Đại biểu đặt câu hỏi tại Diễn đàn

Để việc góp phần thúc đẩy liên kết sản xuất lúa, TS Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc TTKNQG nêu một số giải pháp sau:

Ngành Nông nghiệp địa phương cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa lớn là cơ sở cho việc hình thành HTX, đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng chính sách cho từng vùng cụ thể, đầu tư hạ tầng cơ sở, dịch vụ sản xuất, hỗ trợ, hình thành và thúc đẩy hợp tác xã để hoạt động có hiệu quả cao;

Để  HTX phát triển và hoạt động hiệu quả, địa phương cần hỗ trợ hướng dẫn và chính sách hình thành Hợp tác xã kiểu mới, trong đó xác định quy mô HTX hợp lý, nâng cao năng lực quản trị của HTX, xây dựng quy chế minh bạch, rõ ràng, lưu ý sản xuất theo hướng chuyên sâu kết hợp với đa dạng hóa sản phẩm cây trồng;

Tăng cường truyền thông những mô hình liên kết hiệu quả cao để nông dân học tập;

Phải có sự vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc khâu mối, trọng tài cho các hợp đồng liên kết, hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất./.

Xem phóng sự "Liên kết sản xuất lúa" tại đây

Đỗ Tuấn - Nguyễn Nhung

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia