Mô hình thuộc Dự án khuyến nông trung ương "Xây dựng mô hình chuyển đổi, tăng vụ từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỗ ở vùng Trung du, miền núi phía Bắc" do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp miền núi thuộc Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên triển khai với mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sau 5 tháng triển khai, Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng đã tổ chức buổi tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình. Các đại biểu đã đến tham quan mô hình trình diễn.

Cả hai mô hình ngô và lạc đều được triển khai trên diện tích 10 ha với 30 hộ nông dân tham gia, triển khai từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2016. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ 100% giống, 50% vật tư và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình của Trung tâm đề ra.

Qua so sánh hiệu quả kinh tế giữa trồng ngô với lúa trên diện tích đất sử dụng 1000m2 cho thấy, trồng lúa hàng năm đạt sản lượng 350 kg với giá bán trên thị trường hiện nay 6000 đồng/kg thu về 2.100.000 đồng mà các khoản chi phí đầu tư vào đã lên tới 4.438.000 đồng, vậy là lỗ 2.338.000 đồng. Trồng ngô với giống NK 4300 sản lượng thu được 700 kg với giá bán trên thị trường là 5000 đồng/kg thu về 3.500.000 đồng, chi phí đầu tư vào 2.820.000 đồng, lãi ra 680.000 đồng. Có thế thấy rõ trồng ngô đạt hiệu quả cao hơn trồng lúa, bên cạnh đó sản phẩm ngô thâm canh luôn có đầu ra ổn định vì có các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh bao tiêu sản phẩm.

So sánh hiệu quả kinh tế của mô hình lạc giống L14 nguyên chủng trồng trên đất lúa kém hiệu quả tại xóm Nà Sác, huyện Hà Quảng với mô hình trồng lúa trên diện tích 1000 m2 cho thấy, trồng lạc L14 cho sản lượng 300kg với giá bán trên thị trường là 20.000 đồng/kg, thu về 6.000.000 đồng, chi phí đầu tư ban đầu 3.704.100 đồng, lãi 2.295.900 đồng. Tuy nhiên do thời tiết khô hạn nên năng suất mô hình lạc chưa cao. Nhưng nếu so với canh tác lúa trên đất không chủ động nước thì việc gieo trồng thâm canh lạc theo quy trình có sự đầu tư về phân bón vẫn cho  thu nhập cao hơn.

Tại buổi tổng kết mô hình, bà Nông Thị Bắc - lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Hà Quảng đề xuất: "Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển để một số xã trên địa bàn huyện chuyển đổi hơn 20 ha từ trồng lúa sang trồng ngô. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cần thực hiện thêm nhiều mô hình để đánh giá hiệu quả, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào nhằm tăng hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa. Bên cạnh đó cần tuyên truyền để người dân áp dụng các công thức trồng luân canh cây trồng như: lạc xuân- ngô- khoai tây vụ đông”.

Những kết quả đạt được từ mô hình đã mở ra hướng sản xuất mới trên đất trồng lúa kém hiệu quả khi mà khí hậu ngày càng khắc nghiệt, không chủ động được nước tưới, góp phần giúp người dân ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tăng thu nhập cho người nông dân.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lạc L14

 Phùng Hồng Lan

Trung tâm Khuyến nông Cao Bằng