Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng, trong 2 năm trở lại đây ngành nông nghiệp chịu thiệt hại do BĐKH. Đặc biệt là năm 2019 diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại là 1.536 ha. Trong đó: diện tích lúa bị thiệt hại 997,3 ha (139,8 ha thiệt hại >70%); diện tích mạ bị thiệt hại 4,36 ha (3,02 ha thiệt hại >70%); diện tích hoa màu bị thiệt hại 515,9 ha (92,7 ha thiệt hại >70%); diện tích cây trồng lâu năm thiệt hại >70% là 3,05 ha; diện tích cây công nghiệp bị gẫy đổ 15,39 ha; diện tích đất nông nghiệp bị xói, bồi lấp 1,93 ha; cây ăn quả bị ngập úng 0,15 ha; giống cây dược liệu (cây địa liền) bị trôi, hỏng 200 kg; diện tích rau màu bị trôi, vùi lấp 0,5 ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi 20,99 ha; Cá giống, cá thương phẩm bị trôi 3.555 kg; 15.000 con cá rô phi đơn tính. Số gia cầm (gà, vịt) bị cuốn trôi 1.818 con; gia súc bị chết 385 con (do rét đậm, rét hại, sét, cuốn trôi, trong đó: 241 con trâu, 71 con bò, 02 con ngựa, 07 con dê; do sét đánh 01 con bò). 24 công trình thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp, đứt gẫy 1.616 m kênh mương, 26m cầu máng bị trôi gãy; kênh thoát nước bị bồi lấp 173m;

Ngày 15/12/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến nông nghiệp và đề xuất các giải pháp ứng phó để phát triển nông nghiệp bền vững .

Để thích ứng với những thay đổi và ảnh hưởng của thời tiết Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cao Bằng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung vào phát triển một số cây trồng có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Chuyển đổi diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp xang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đối với các diện tích không tự chủ được nguồn nước, hướng dẫn người dân chuyển sang gieo trồng các loại cây khác như ngô, hoa màu, nghệ, các loại cây ăn quả. Kế hoạch năm 2021 chuyển đổi hơn 825,59 ha cây trồng trên đất lúa cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng giá trị kinh tế cao, gồm: 742,02 ha sang trồng cây hằng năm; 35,62 ha sang trồng cây lâu năm; 47,94 ha sang nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng lúa. Bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH.

Cùng với đó Sở Nông nghiệp và PTNT Cao Bằng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp khảo nghiệm các giống cây trồng mới và ứng dụng các bộ giống có khả năng chống chịu thời tiết cực đoan. Chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các phương thức canh tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ năm 2016 đến nay Trung tâm đã triển khai một số mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với BĐKH  như: mô hình trồng cây ngô thuộc dự án “Xây dựng và phát triển mô hình chuyển đổi, tăng vụ từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỗ ở vùng Trung du miền núi phía Bắc” với quy mô 10 ha tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng); mô hình cây mỡ thuộc dự án "Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung" với quy mô 72 ha tại các xã Canh Tân và Kim Đồng  (Thạch An), xã Hà Trì (Hòa An), xã Chu Trinh (TP Cao Bằng); mô hình thử nghiệm giống cà chua Savior tại xã Đức Xuân (Thạch An); mô hình thử nghiệm giống đậu tương đen (DT2008ĐB) tại Hòa An; ứng dụng giống lúa thuần chất lượng dòng Japonica vào sản xuất gắn với định hướng thị trường với quy mô 20 ha tại xã Bế Triều (Hòa An) và xã Vĩnh Quang (TP Cao Bằng); nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất thạch đen an toàn; mô hình ứng dụng kỹ thuật làm giàn cố định vin cành cây lê với quy mô 0,4 ha tại xã Quang Thành (Nguyên Bình); mô hình tăng vụ bí xanh thu đông trên đất một vụ lúa với quy mô 05ha tại xã Tam Kim(Nguyên Bình) và xã Phúc Sen (Quảng Hòa)… Nhìn chung các mô hình đều đạt kết quả tốt và có khả năng nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục triển khai, tuyên truyền nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu…

Ngành Nông nghiệp Cao Bằng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thích ứng với BĐKH (trong ảnh: mô hình ứng dụng giống lúa thuần chất lượng dòng Japonica vào sản xuất gắn với định hướng thị trường tại xã Bế Triều (Hòa An))

 

Về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tại, hạn hán, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng thường xuyên tiến hành kiểm tra, rà soát đánh giá nguồn nước, năng lực cấp nước của công trình thủy lợi trên địa bàn để xây dựng phương án cấp nước chủ động phục vụ sản xuất và dân sinh. Hướng dẫn chính quyền địa phương và Nhân dân bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, chỉ đạo các vùng thường xuyên thiếu nước tưới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp với điều kiện và nguồn nước; Khắc phục rò rỉ thất thoát nước trên tuyến dẫn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Chủ động kế hoạch tích nước trong ao, hồ chứa, điều tiết nước hợp lý và khai thác hiệu quả nguồn nước; Phối hợp với các cơ quan báo, đài trên địa bàn tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán. Chuẩn bị sẵn sàng, tập kết máy bơm dầu của Công ty TNHH một thành viên Thủy nông và số máy bơm dầu đã cấp phát cho các địa phương để chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương sẵn sàng bơm bổ sung nguồn nước phòng, chống hạn khi cần thiết.

Nhờ chủ động các giải pháp ứng phó với BĐKH mà kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể: Năm 2020 tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 281.963,05 tấn bằng 101,09% so với năm 2019.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang từng bước phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm với các hình thức hợp tác và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó là sự đổi mới tư duy, nhận thức của các cấp, ngành cho đến người nông dân về năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp đã giúp ngành nông nghiệp luôn chủ động các giải pháp trước tình hình khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Phùng Thị Hồng Lan

Trung tâm Khuyến nông và GNLN Cao Bằng