Nhận thấy hiệu quả kinh tế của nghề nuôi bò sữa, năm 2010, anh Nguyễn Văn Thịnh ở Đông Kết, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mua 4 con bò sữa trị giá trên 35 triệu đồng/con về nuôi. Trên cơ sở tận dụng tiềm năng diện tích vùng đất bãi tự nhiên của địa phương và mở rộng diện tích trồng các loại cỏ chất lượng cao nên gia đình anh Thịnh luôn chủ động về nguồn thức ăn cho bò. Cùng với đó, nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh do Trạm Khuyến nông huyện Khoái Châu tổ chức và được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông viên cơ sở nên đàn bò sữa của anh Thịnh phát triển khá tốt; rất ít bị bệnh. Đến nay, đàn bò sữa của gia đình anh Thịnh đã tăng lên 11 con, trong đó có 8 con đang cho sữa. Bình quân hàng năm, sau khi trừ chi phí các loại, đàn bò sữa còn mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Thịnh khoản thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng.

“Năng suất trung bình đạt khoảng 15 - 20 kg sữa/ngày/con. Sữa thu được do công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk thu mua 100% với mức giá bình quân từ 12.000 - 14.000 đồng/kg. Với giá thu mua này, tính ra tôi có lãi khoảng gần 50% tiền bán sữa”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Tìm hiểu được biết, mô hình chăn nuôi bò sữa bắt đầu phát triển ở huyện Khoái Châu từ năm 2003 với sự hỗ trợ của đề án chăn nuôi bò sữa của tỉnh, được triển khai tại các xã vùng màu, vùng bãi, vùng bối.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khoái Châu, tính đến cuối năm 2017, tổng đàn bò sữa của huyện là khoảng gần 900 con; trong đó có gần 80% bò đang trong thời kỳ cho sữa với năng suất trung bình 18 – 23 kg sữa/ngày/con. Toàn bộ lượng sữa bò đều được bán cho Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk tại 2 điểm thu mua ở xã Bình Minh và Đông Kết. Với hiệu quả kinh tế cao từ việc nuôi bò sữa, những năm gần đây, đàn bò sữa của huyện Khoái Châu đang có xu hướng phát triển mạnh. Việc chăn nuôi bò sữa hiện tập trung nhiều ở các xã ven sông Hồng có diện tích bãi bồi lớn như Bình Minh, Dạ Trạch, Đông Kết, Hàm Tử, Ông Đình, Liên Khê, Tân Châu, An Vĩ...

Mô hình nuôi bò sữa của nông dân Hưng Yên

Không chỉ ở huyện Khoái Châu, hiện nay nghề chăn nuôi bò sữa đã được phát triển tại nhiều địa phương ở tỉnh Hưng Yên. Với quy mô chăn nuôi đa dạng từ 5 - 6 con/hộ đến hàng chục con, nghề chăn nuôi bò sữa đã mang lại nguồn thu nhập tương đối cao cho người nông dân.

Theo kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi bò sữa ở Hưng Yên, vấn đề quan trọng đầu tiên để tăng năng suất và chất lượng sữa thành phẩm đó là phải chọn giống bò tốt, tuân thủ đúng quy trình chăm sóc hàng ngày. Do sữa bò là loại sản phẩm đặc thù, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dung nên quá trình chăn nuôi cần chú ý nguồn thức ăn phải bảo đảm dinh dưỡng và hợp vệ sinh, ngoài thức ăn thô, phải cho bò ăn thêm cám viên, bổ sung thêm vitamin A, D, E, biotin, canxi... Ngoài ra, có thể tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, chuối để làm thức ăn cho bò. Mùa hè nguồn thức ăn thô này dồi dào, người nuôi có thể thực hiện phương pháp ủ chua để dành cho bò ăn vào mùa đông và giúp kích thích tiêu hóa tốt cho bò…

Đồng chí Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Hiện nay, tổng số đàn bò sữa trên địa bàn toàn tỉnh là trên 3.500 con, tập trung chủ yếu ở các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ… và thành phố Hưng Yên. Bước đầu, người chăn nuôi đã có kinh nghiệm chọn lọc những con bò sữa cho sản lượng sữa cao, việc chăm sóc, phòng dịch được bảo đảm, sản phẩm sữa được bao tiêu hoàn toàn bởi các công ty sữa đã tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân.

Tuy nhiên, thực tế phát triển chăn nuôi bò sữa thời gian qua ở Hưng Yên cho thấy, khó khăn lớn nhất đang đặt ra đối với bà con nông dân hiện nay đó là việc thiếu vốn đầu tư để mở rộng quy mô, nhất là với hộ mới nuôi. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật chăn nuôi của các hộ còn hạn chế; công tác kiểm soát được chất lượng bò giống còn nhiều khó khăn... Do đó, để nghề chăn nuôi bò sữa có thể phát triển một cách hiệu quả, bền vững mong mỏi chung của các nông hộ ở Hưng Yên đó là được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là ngành nông nghiệp các cấp trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cũng như tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong quy trình chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, do giá trị đầu tư ban đầu lớn, trung bình giá bò giống tà 35 - 40 triệu đồng/con nên cơ quan chuyên môn cần làm tốt công tác quản lý chất lượng bò giống, tránh tình trạng bò giống chất lượng thấp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đặc biệt, để chăn nuôi bò sữa, người dân cần đầu tư chuồng trại đúng kỹ thuật và sử dụng các máy móc chuyên dụng như máy cắt cỏ, máy vắt sữa, máy bảo quản sữa… nên nhu cầu vốn là khá lớn. Do vậy, cùng với việc quy hoạch và hướng dẫn cụ thể đối với người chăn nuôi bò sữa, các địa phương cũng cần tang cường hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, để người chăn nuôi có điều kiện mở rộng đàn bò sữa, yên tâm phát triển sản xuất.

Có thể thấy, tận dụng lợi thế được phù sa dòng sông Hồng bồi đắp, đất đai màu mỡ, diện tích trồng màu lớn nên việc phát triển chăn nuôi bò sữa tại các địa phương thuộc tỉnh Hưng Yên đã dần mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật. Với sự quan tâm của ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp, chăn nuôi bò sữa hứa hẹn sẽ là hướng đi ổn định, mang lại thu nhập cao cho nông dân Hưng Yên./.

Tạ Quang Đạo

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng