Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và hơn 500 đại biểu đến từ các sở, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khai mạc “Diễn đàn công nghệ nông nghiệp và thủy sản Mekong 2018"

Triển lãm và hội thảo đã giới thiệu các giải pháp công nghệ cao, giải pháp thông minh dựa trên nền tảng internet vạn vật (IoT) phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Những công nghệ mới trong trồng trọt phải kể đến là: Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu; Trồng sâm thủy canh siêu năng suất của Hàn Quốc; Quản lý dinh dưỡng cây trồng qua hệ thống tưới nhỏ giọt ứng dụng cho cây ăn quả vùng ĐBSCL; Ứng dụng nông nghiệp thông minh tại Efarm; Drone phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo hạt, dự đoán sâu bệnh; Phần mềm truy xuất nguồn gốc, chống giả “Agricheck”.

Trong chăn nuôi, một số công nghệ đã được giới thiệu như: Công nghệ tinh phân biệt giới tính với tỷ lệ bê cái sinh ra 87 – 92% tương đương các nước trên thế giới mang lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi bò sữa; Sản phẩm sinh học toàn bò cái (WM) cho thụ tinh lấy giống cái ở bò (Với việc sử dụng tinh phân biệt giới tính như trên đã mang lại hiệu quả to lớn. Tuy nhiên để có tinh phân biệt giới tính thì cần trang thiết bị giá cao, chi phí bảo dưỡng cao và nhân lực có kỹ năng, tỷ lệ thụ tinh không cao. Giải pháp sử dụng sản phẩm sinh học toàn bò cái (WM) cho thụ tinh lấy giống cái ở bò đã khắc phục cơ bản các nhược điểm trên. WM là một loại protein kết tụ tinh trùng Y, ức chế khả năng bơi lội tự do của chúng, trong khi đó tinh trùng X không bị ảnh hưởng và được bơi lội tự do trong tử cung bò cái để thụ tinh với trứng cho ra bê cái); Công nghệ cấy truyền phôi cũng đã được ứng dụng thành công tại Việt Nam; Kỹ thuật bảo quản, chế biến rơm cuộn trong chăn nuôi; Kỹ thuật sử dụng men để chế biến và bảo quản cỏ, phế phụ phẩm trong chăn nuôi trâu bò; Công nghệ phối giống TTNT tiên tiến áp dụng cho lợn, phối tinh sâu nâng cao tỷ lệ thụ thai và tăng số con sơ sinh/ổ; Môi trường pha chế, bảo quản tinh heo đa dạng, phù hợp với từng điều kiện chăn nuôi từ 01 ngày, 2 ngày, 5 ngày và đến 7 ngày; Kỹ thuật chăn nuôi bò thịt bằng đệm lót sinh học, nuôi heo thịt đến xuất chuồng trên đệm lót sinh học; Ứng dụng công nghệ cao và công nghệ 4.0 trong chăn nuôi gà đẻ lấy trứng tại Trại gà Thanh Đức, Đồng Nai…

Ngành Thủy sản có các công nghệ được giới thiệu như: Hệ thống giám sát và điều khiển tự động e-aqua cải thiện môi trường nước nuôi trồng thủy sản; Hệ thống giám sát chất lượng nước online phục vụ nuôi tôm, cá (DO, PH, ORP, nhiệt độ, độ mặn) của Công ty TC Check; Phần mềm Farmext kết nối thiết bị, quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản của Công ty Tép Bạc; Phần mềm FARMPRO nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành trang trại nuôi trồng thủy sản CTy TNHH Phần mềm Nam Việt; Thiết bị lọc cơ học CENFILTER cải thiện môi trường nước thải nuôi trồng thủy sản; Công nghệ ion hóa nước bằng sóng điện từ giúp xử lý nước hiệu quả trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Công ty TNHH EWATER Engineering./.

Nguyễn Văn Bắc

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia