Qua 2 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố Đà Nẵng đã đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch phù hợp, trong đó thủy sản chiếm 64,7%, nông nghiệp chiếm 32,5%, lâm nghiệp chiếm 2,8%.

Trong lĩnh vực trồng trọt, năng suất lúa năm 2014 đạt cao, trên 62 tạ/ha (tăng 4,16 tạ/ha so với năm 2013), đã chuyển đổi được108 ha diện tích vùng trồng lúa có năng suất thấp, không chủ động nguồn nước sang cây trồng khác đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện chế độ luân canh trên cây trồng, phát triển cánh đồng lúa giống, cánh đồng mẫu, vùng trồng dưa, ớt... Thí điểm áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên rau ăn quả, tạo nên nhiều mô hình canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp; hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn sản xuất theo mô hình VietGAP.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thành phố đã hỗ trợ người dân triển khai các mô hình chăn nuôi áp dụng biện phát kỹ thuật tiên tiến như: nuôi gà Ai Cập, nuôi chim trĩ, nhím, dê, mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò tại các xã trung du, miền núi; xây dựng hầm biogas... góp phần đổi mới tập quán canh tác trong chăn nuôi theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Thành phố cũng tiến hành xóa bỏ 19 điểm giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo quy định vệ sinh thú y; tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tiến tới năm 2020 xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Đà Nẵng ngày càng hiện đại hóa đội tàu, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ

Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng: Qua 2 năm triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thành phố đã xây dựng được khung quy hoạch, chi tiết cho từng vùng nông, lâm, thủy sản, sản xuất có tính định hướng cho thị trường. Đặc biệt, tại các vùng quy hoạch, thành phố đã ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo thống kê, trong lĩnh vực thủy sản của thành phố cho thấy, đến nay tàu cá có công suất từ 20 - 90CV liên tục giảm dần, tàu có công suất từ 90 CV- dưới 400 CV biến động không lớn; tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên tăng mạnh từ 12 chiếc lên 207 chiếc (tăng 17 lần). Các tàu cá được lắp đặt thông tin liên lạc hiện đại, không còn tàu cá hoạt động nghề cấm. Các nghề khuyến khích như rê, vây, câu chiếm tỷ lệ lớn.

Giai đoạn 2016 - 2020 cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển chuỗi liên kết sản xuất nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương thì sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển đánh bắt thủy sản xa bờ.

Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên để khai thác, giảm dần các tàu có công suất dưới 20 CV, cải hoán nâng cấp số lượng tàu công suất lớn trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ khai thác xa bờ, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tổ chức lại sản xuất trên biển theo hướng liên kết giữa ngư dân, tổ khai thác hải sản với cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua, tiêu thụ sản phẩm trên biển, xây dựng đội tàu hậu cần chuyên phục vụ tàu khai thác vùng biển xa; xây dựng được mô hình tàu vỏ thép khai thác hải sản được đầu tư hiện đại; ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác, đảm bảo chất lượng, giá trị sau khai thác.

Thành phố cũng sẽ tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang trở thành cảng cá động lực loại 1A hiện đại, xây dựng trung tâm nghề cá gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa để phục vụ sự phát triển của ngành thủy sản.

Hải Yến