Diễn đàn có sự tham dự của hơn 400 đại biểu, trong đó 300 đại biểu là nông dân đến từ 7 tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp &PTNT, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và nhiều báo đài đến đưa tin về điễn đàn.

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21, đã và đang gây ra những biến đổi mạnh mẽ qua các hiện tượng khí hậu cực đoan như nhiệt độ tăng, bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng cao... Tại khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, biến đổi khí hậu với những nghịch lý dị thường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp của vùng. Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng như những vùng chăn nuôi khác sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn do những biến đổi bất thường của thời tiết. Đây là lý do để Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn “Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm giúp bà con nông dân trong vùng phát triển những mô hình chăn nuôi hiệu quả, đặc biệt là đối với các loại vật nuôi chủ lực của vùng.

Diễn đàn đã tiếp nhận gần 40 câu hỏi từ các đại biểu tham dự. Qua phần hỏi đáp, trao đổi giữa các đại biểu và Ban cố vấn của Diễn đàn, có thể nhận thấy mối quan tâm của các doanh nghiệp và bà con chăn nuôi hiện nay tập trung vào các vấn đề như: chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương để phát triển ngành chăn nuôi, giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi một số đối tượng vật nuôi đặc sản, cách phòng trị bệnh cho vật nuôi, sử dụng thuốc thú y hiệu quả, kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học…

TS. Trần Văn Khởi kết luận Diễn đàn

Kết luận Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổng kết một số giải pháp để ngành chăn nuôi của khu vực phát triển bền vững. Đó là:

Giải pháp về khoa học kỹ thuật: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức mới vào sản xuất; Phát triển những đối tượng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương để khai thác tốt nhất thế mạnh của vùng, hạn chế khó khăn, nhất là khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra; Phát triển chăn nuôi gắn với sản xuất trồng trọt để cung cấp thức ăn thô xanh, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp, chế biến thức ăn tinh quy mô hộ và nhóm hộ; Phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, tổ chức các hộ chăn nuôi theo hướng thành lập hợp tác xã, câu lạc bộ, liên kết với doanh nghiệp để tạo được vùng nguyên liệu, thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm của vùng, địa phương.

Giải pháp về chính sách: Các nhà quản lý cần xây dựng chính sách đặc thù cho vùng, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để giải quyết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; Có chính sách hỗ trợ để hình thành các tổ chức sản xuất của nông dân như câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác; Triển khai những chính sách đã ban hành như Nghị định 210/2013/ NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân: Tăng cường công tác tuyên truyền để cung cấp cho nông dân những kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức sản xuất mới, thông tin về thị trường, giá cả, an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất…; Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến nông thông qua việc xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, truyền thông để nâng cao năng lực của người sản xuất; Đặc biệt cần đổi mới công tác khuyến nông theo hướng tăng cường vai trò tư vấn cho nông dân trên nhiều mặt: kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý sản xuất, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất…

TS. Trần Văn Khởi cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn cho nông dân, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã. Các Trung tâm cũng cần đề xuất với Ngành, địa phương những hoạt động chuyển giao thúc đẩy chăn nuôi của vùng như xây dựng mô hình trình diễn, mở lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập,… TS cũng khuyến cáo bà con nông dân cần chọn lọc và áp dụng những giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, nhất là các giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã đến thăm mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò và mô hình trang trại chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar. Bên cạnh đó UBND huyện cũng tổ chức 20 gian hàng giới thiệu các sản phẩm đặc thù của địa phương như: bò giống của Cty TNHH TM Thắng Mỹ, trái cây của hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ thương mại Thành Đạt; các loại cây giống, giống lợn rừng, thỏ, vịt trời... với các đại biểu.

Một số hình ảnh đại biểu tham quan mô hình tại xã Ea Kmút (Ea Kar) và các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc thù của địa phương:

 Các đại biểu thăm mô hình Câu lạc bộ chăn nuôi bò

Mô hình trang trại chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại xã Ea Kmút, huyện Ea Kar

Đông đảo đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc thù của địa phương


Hoa Trà

Xem clip về Diễn đàn tại đây